Vì sao đập ngăn mặn đấu thầu 2 lần không có đơn vị nào tham gia?

25/03/2023 12:09

Ngày 24/3, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án giải quyết về nguồn cát để đắp đập tạm trên sông Vĩnh Điện.

Gần 2.000 ha lúa có nguy cơ mất mùa vì thiếu nước

Những ngày qua, nông dân tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vô cùng lo lắng khi vụ Đông Xuân đang vào độ cây lúa đẻ nhánh, làm đòng nhưng lại thiếu nước, có thể dẫn đến nguy cơ mất mùa.

Ông Lê Xí, ngụ phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn cho hay, mọi năm, tại thời điểm này, ở khu vực phường Điện Ngọc thường đắp một đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt. Thế nhưng, năm nay, hiện tại chiếc đập tạm này vẫn chưa được thi công dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới.

Liên quan đến vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hằng năm, hạ lưu sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, thường xuyên bị mặn xâm nhập sâu từ nguồn nước mặn sông  Hàn – Tp.Đà Nẵng vào.

Trước tình hình đó, từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã triển khai phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn, giữ ngọt nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực Tp.Hội An, Tp.Đà Nẵng.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 nắng nóng gay gắt hơn 2022, mực nước sông xuống thấp, gây khô hạn và nhiễm mặn. Cụ thể, tại Trạm bơm Tứ Câu đã có nước mặn xâm nhập vào ngày 17/3 là 1,5%, cao nhất trong năm 2023.

Công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2023 vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m; giải pháp kết cấu đập thi công giống như các năm trước đã thực hiện.

Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức đấu thầu đều không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này vì theo hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, với khối lượng cát cần dùng khoảng 8.500m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ.

Tuy nhiên, qua nắm bắt thị trường thì các đơn vị cung cấp vật liệu cát không đủ nguồn vật liệu để cung cấp 8.500m3 trong khoảng thời gian thi công 10 ngày đêm. Từ những khó khăn về nguồn cát, các ngành chức năng thị xã đã khảo sát và xét thấy nguồn cát từ dự án Nạo vét sông Cổ Cò đảm bảo kỹ thuật đẻ đắp đập ngăn mặn.

Do đó, UBND thị xã Điện Bàn đã có văn bản đề nghị các Sở, ngành liên quan xem xét, cho phép sử dụng nguồn cát từ dự án Nạo vét sông Cổ Cò hiện đang triển khai trên địa bàn phường Điện Dương, Điện Ngọc do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ Đầu tư để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện 2023.

Thống nhất sử dụng nguồn cát có sẵn

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn thông tin, công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn sông Vĩnh Điện năm 2023 được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt ngày 2/2 với tổng giá trị là 3 tỷ đồng.

Quy mô dự án gồm tuyến đập dài khoảng 130m; ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện; thân đập được đắp bằng cát, khoảng 8.500m3, nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước cho các trạm bơm phía thượng lưu đập hoạt động ổn định phục vụ tưới cho hơn 1.855ha đất nông nghiệp.

Dân sinh - Vì sao đập ngăn mặn đấu thầu 2 lần không có đơn vị nào tham gia?

Khu vực sẽ được đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện. 

Ban quản lý đã tổ chức lập các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, đăng tải thông báo mời thầu lần 1 về lựa chọn nhà thi công xây dựng và quản lý vận hành trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo thời gian quy định 10 ngày.

Thời điểm đăng tải ngày 6/2, thời điểm mở thầu ngày 16/2. Tuy nhiên, qua thời điểm mở thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không có nhà thầu nào tham dự.

Sau đó, ngày 4/3, Ban quản lý tiếp tục đăng tải mời thầu lần 2 tại hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đến thời điểm mở thầu ngày 14/3, vẫn không có nhà thầu nào tham dự.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân không có nhà thầu tham dự vì thị trường nguồn cát, vật liệu chính để đắp đập khan hiếm và không đảm bảo nguồn cung ứng trong giai đoạn 10 ngày ngăn dòng.

Trong khi đó, ngày 24/3, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã thống nhất chủ trương cho phép sử dụng nguồn cát từ dự án Nạo vét sông Cổ Cò để thi công công trình Đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2023.

Ông Bửu đề nghị UBND thị xã Điện Bàn có trách nhiệm làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh để thống nhất vị trí lấy cát; thời gian thực hiện, biện pháp phối hợp theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ khối lượng cát xúc bốc lên xe vận chuyển và sử dụng đúng mục đích phục vụ thi công công trình.

Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh hồ sơ thiết kế - dự toán công trình phù hợp với cự ly vận chuyển từ vị trí lấy cát đến chân công trình và làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để thống nhất xác định các nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng khoáng sản cần sử dụng theo đúng quy định để triển khai thực hiện.

Cần xây đập điều tiết kiên cố nhằm tránh lãng phí

Liên quan đến đập ngăn và giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, nhiều người dân cho hay, đây chỉ là công trình tạm thời, mang tính thời vụ. Những năm trước, địa phương cũng đã thực hiện đập ngăn mặn như thế.

Khi vào mùa lũ, đập ngăn mặn tạm thời phải được tháo dỡ trả lại dòng chảy của sông Vĩnh Điện gây nhiều tổn hại về công sức cũng như kinh phí đã bỏ ra xây dựng.

Nhiều người dân đề nghị cơ quan chức năng cần có phương án xây đập điều tiết kiên cố mang tính vĩnh cửu vừa bảo đảm tính ổn định trong việc tưới tiêu cho ngành nông nghiệp tại địa phương lại tiết kiệm, tránh chi phí xây dựng công trình tạm hàng năm.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao đập ngăn mặn đấu thầu 2 lần không có đơn vị nào tham gia?" tại chuyên mục Phong cách sống. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.