Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch

27/02/2024 00:10

Năm 2023, ĐBSCL đã đón 44.952.080 lượt du khách, tăng 20,4% so với năm 2022; đạt tổng doanh thu khoảng 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.

Du lịch phục hồi mạnh mẽ

Ngày 26/2, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thông tin cho biết năm 2023, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tiếp tục hoạt động trong trạng thái bình thường mới, có bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Trong năm 2023, tổng số khách đến đồng bằng sông Cửu Long là 44.952.080 lượt, tăng 20,4% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế là 1.880.126 lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đạt được kết quả như vậy là nhờ toàn ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác – xúc tiến, quảng bá du lịch “trong trạng thái bình thường mới.”

Năm 2023, du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã liên kết, hợp tác với nhau tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM (Hội chợ Quốc tế Du lịch Hà Nội), ITE Thành phố Hồ Chí Minh (Hội chợ Quốc tế Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh), Đà Nẵng, Lào Cai… Nhật Bản.

Tiêu dùng & Dư luận - Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch

Du khách quốc tế đến tham quan Phú Quốc bằng đường biển.

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, trong năm 2023 và Tết Nguyên đán năm 2024 lượng du khách tăng cao, điều này cho thấy du lịch trong vùng đang phục hồi mạnh mẽ.

Về phương hướng hoạt động trong năm 2024 của hiệp hội, theo ông Phường, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước.

Đối với trong nước, dự kiến phối hợp với Sở Du lịch và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4/2024; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh vào tháng 8/2024.

Tiếp tục xây dựng, đổi mới sản phẩm du lịch

Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của du lịch đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương, ban ngành cần tăng cường liên kết, đồng thời tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù trên nền sản phẩm sẵn có.

Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang nhận định, năm 2023, tỉnh Kiên Giang đón khách du lịch tăng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 8.534.993 lượt du khách; trong đó, khách quốc tế 573.272 lượt tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu 17.479 tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của ngành Du lịch Kiên Giang cũng như đồng bằng sông Cửu Long trong năm qua, ông Khánh cho biết, cần tiếp tục ưu đãi đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, tại các khu du lịch trọng điểm theo hướng đồng bộ và trọng điểm như U Minh Thượng, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải...

Tiêu dùng & Dư luận - Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch (Hình 2).

Kiên Giang xây dựng chương trình xúc tiến, chính sách kích cầu, sự kiện nhằm thu hút khách du lịch nội địa, quốc tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trong năm 2023, các đơn vị hoạt động du lịch Cà Mau đã chủ động kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách; giá cả được niêm yết công khai và thực hiện đúng giá niêm yết; các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh được tăng cường,…góp phần đảm bảo an toàn cho du khách.

Năm 2024, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu thu hút hơn 2,3 triệu lượt khách; tổng doanh thu đạt 3.480 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; đổi mới công tác quảng bá, truyền thông gắn với ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” theo hướng dẫn trong ngành du lịch; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch năm 2024, chương trình, sự kiện “Cà Mau – Điểm đến” năm 2024, lồng ghép các chương trình khác ở địa phương; tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế,…

Năm 2024, ngành du lịch An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Tiêu dùng & Dư luận - Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch (Hình 3).

Rừng tràm Trà Sư ở An Giang thu hút nhiều du khách tham quan.

Theo đó, sẽ triển khai Chiến lược truyền thông du lịch An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, các sản phẩm du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông; tổ chức hội thi ảnh đẹp nhằm xây dựng nguồn ảnh về các khu, điểm du lịch của tỉnh, để phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá.

Ngành du lịch An Giang sẽ mở rộng trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường, nhu cầu của khách hàng, xu hướng phát triển sản phẩm du lịch trong tình hình mới. Tạo cơ hội để doanh nghiệp địa phương giao lưu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch; kết nối lại doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển du khách và điểm tham quan với các đối tác trong cả nước.

Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục cùng các địa phương trong trong vùng, có kế hoạch đón tiếp và tham gia các đoàn Famtrip đến từ tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù, các “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long”… nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bạn đang đọc bài viết "Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo sản phẩm du lịch" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.