Không phải căng thẳng ở Trung Đông, đây mới là điều khiến giá dầu tăng

23/04/2024 12:14

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế có lúc vượt ngưỡng 90 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran.

Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông khó có thể tác động đáng kể đến giá dầu trừ khi các nhà sản xuất chính bị cuốn vào xung đột, theo người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu ở Istanbul hôm 22/4, Giám đốc IEA Fatih Birol tiết lộ rằng, thay vì các rủi ro về nguồn cung ở Trung Đông, các nguyên tắc cơ bản của thị trường đang bị thúc đẩy bởi chính sách cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+.

“Nếu một hoặc nhiều quốc gia sản xuất dầu lớn không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, tôi không nghĩ giá sẽ tăng lên mức rất cao”, ông Birol nói.

Đầu tháng này, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã có lúc vượt ngưỡng 90 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran.

Giá dầu hiện đang dao động quanh mức 90 USD trên thị trường toàn cầu, điều mà ông Birol cho rằng gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới bằng cách góp phần gây áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, người đứng đầu IEA giải thích rằng nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao bất chấp nhu cầu dầu tương đối thấp so với 2 năm gần đây vào năm 2022 và 2023 là do các nước OPEC+ có chủ ý cắt giảm sản lượng dầu – một chính sách mà nhóm này đang tuân theo để giữ giá dầu ở mức cao.

Nhu cầu toàn cầu đã tăng nhẹ khoảng 1 triệu thùng/ngày và sản lượng ở mức đủ để đáp ứng mức nhu cầu này, ông Birol cho biết.

Thế giới - Không phải căng thẳng ở Trung Đông, đây mới là điều khiến giá dầu tăng

Một tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz. Ảnh: Financial Times

Ấn bản mới nhất của báo cáo thị trường dầu hàng tháng của IEA cho năm 2024 cho thấy, sản lượng toàn cầu được dự báo tăng thêm 770.000 thùng/ngày, lên mức 102,9 triệu thùng/ngày.

Sản lượng của các nước ngoài OPEC+ sẽ tăng thêm 1,6 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung của OPEC+ có thể giảm 820.000 thùng/ngày nếu việc cắt giảm tự nguyện vẫn được duy trì.

“Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu hiện đang trong giai đoạn chậm lại và dự kiến chỉ số này sẽ giảm xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, đưa mức tiêu thụ lên đỉnh điểm trong thập kỷ này”, báo cáo của IEA cho biết.

Mặc dù dự kiến thị trường sẽ có sự cân bằng cung cầu chặt chẽ hơn, nhưng tăng trưởng nhu cầu được dự đoán sẽ được đáp ứng nhờ khối lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+ như Mỹ, Brazil, Canada và Guyana.

Giá dầu Brent mặc dù vẫn ở mức trên 86 USD/thùng hôm 22/4 khi các nhà giao dịch chuyển trọng tâm chú ý trở lại lạm phát, nhưng căng thẳng ở Trung Đông cho đến nay chưa khiến nguồn cung dầu thực tế bị xáo trộn, Reuters cho biết.

Phản ứng của thị trường là một ví dụ khác cho thấy sẽ hợp lý khi kỳ vọng giá dầu sẽ tăng kéo dài nếu Eo biển Hormuz – tuyến đường huyết mạch dầu mỏ quan trọng nhất thế giới vận chuyển 1/5 nguồn cung toàn cầu – bị gián đoạn hoặc thủ lĩnh nhóm OPEC và OPEC+ là Ả Rập Xê-út trực tiếp bị lôi kéo vào cuộc xung đột, Reuters dẫn lưu ý của ông Tamas Varga từ công ty môi giới dầu hàng đầu thế giới PVM.

Chiến lược gia Giovanni Staunovo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS nói với Reuters rằng phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị có xu hướng không kéo dài nếu nguồn cung không thực sự bị gián đoạn. Vị chuyên gia đồng thời cho biết thêm rằng công suất dự phòng cao của một số quốc gia sản xuất dầu có thể bù đắp cho bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.

Minh Đức (Theo Anadolu, Reuters)

Bạn đang đọc bài viết "Không phải căng thẳng ở Trung Đông, đây mới là điều khiến giá dầu tăng" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.