Sau Tết, giá lúa biến động ra sao?

23/02/2024 16:10

Năm 2023, lúa gạo đã giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long "ăn nên làm ra". Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay giá lúa đã giảm đến 1.000 đồng/kg khiến nông dân lo lắng.

Giá lúa gạo bất ngờ giảm mạnh sau Tết

Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chia sẻ với Người Lao Động, nông dân trồng lúa hiện rất lo lắng khi giá lúa giảm quá nhanh, chỉ trong vòng 5 ngày giảm đến 1.000 đồng/kg. Hiện tại, giá lúa Đài Thơm 8 còn 7.500 đồng/kg, lúa IR50404 còn 7.300 đồng/kg.

"Giá lúa giảm quá nhanh nên thương lái nào không thương lượng được giá mua với chủ ruộng nên có thể sẽ bỏ cọc để tránh thua lỗ, mức cọc phổ biến ở mức 3 triệu đồng/ha" – ông Bắc nói.

Cũng theo ông Bắc, so với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa vẫn cao hơn 1.000 đồng/kg nhưng năm nay cây lúa gặp dịch bệnh nhiều, chi phí đầu tư cao nên nếu giá lúa tiếp tục giảm, nông dân không còn lời.

"Doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nhưng họ thu mua rất cầm chừng trong khi lúa thu hoạch rộ. Đây là nguyên nhân khiến giá lúa giảm", ông Bắc nhận định.

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 22-2 còn 609 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, giảm đến 19 USD/tấn so với ngày trước; gạo Thái Lan cùng phẩm cấp còn 611 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn. So với đỉnh giá gạo xuất khẩu hồi đầu 2024 thì giá đã giảm đến 50 USD/tấn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Phước Thành 4 (tỉnh Vĩnh Long), dự báo giá lúa gạo sẽ ổn định từ tuần sau khi các nhà máy đẩy mạnh mua vào. "Nếu không mua vào sẽ trễ, không đủ nguồn hàng cho kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024. Chưa kể, nếu thu mua trễ hơn, chất lượng gạo sẽ không còn tốt nhất" – ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho rằng các doanh nghiệp vừa qua trúng gói thầu cung cấp gạo cho Indonesia có thể sẽ lãi lớn với diễn biến giá thị trường như hiện nay.

Nguyên nhân giá lúa gạo giảm theo ông Thành do các khách hàng lớn từ Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc,… có tâm lý chờ Việt Nam thu hoạch rộ, giá giảm mới mua vào.

Tiêu dùng & Dư luận - Sau Tết, giá lúa biến động ra sao?

Ảnh minh họa.

Dự báo xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài

Thông tin trên VTV, từ sau Tết đến nay, ngay cả khi Việt Nam đã trúng thầu 300.000 tấn cho thị trường Indonesia, giá lúa gạo đang có xu hướng giảm khá mạnh.

Ông Huỳnh Minh Vũ - Huyện Tam Bình, Vĩnh Long có 11 công ruộng của  sắp đến ngày thu hoạch. Giá thương lái thu mua trưa nay là 7.200 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông cầm chắc từ lỗ đến hòa vốn.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Vũ cho biết: "Giá lúa như vậy thì bán ra không có lãi. Đó là khó khăn thứ nhất. Thứ hai, nếu giá lúa như vậy thì mình neo trên đồng ruộng lâu, lúa sẽ giảm năng suất".

So với thời điểm trước Tết, giá lúa hiện nay đã giảm khoảng 30%. Sự lao dốc quá nhanh này khiến thị trường trở nên trầm lắng. Nhiều thương lái buộc phải bỏ cọc để hạn chế thua lỗ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tiến - một thương lái ngậm ngùi: "Càng ngày càng lỗ. Năm nay thương lái lỗ trắng. Bỏ cọc bao nhiêu là mất hết bấy nhiêu".

Ông Nguyễn Như Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh, Tam Bình, Vĩnh Long cho biết: "Cách đây khoảng 5, 7 ngày, thương lái đến đặt cọc khoảng 9.100 đồng – 9.200 đồng. Đến hiện tại, thương lái bỏ cọc thì giá lúa sụt giảm, chỉ còn 7.000 đồng - 7.200 đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của bà con nông dân".

Cùng với lúa, giá gạo cũng lao dốc giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với trước tết. "Giá lúa trong năm rất cao. Các đơn vị thu mua tàng trữ trông chờ đẩy giá xuống để mua. Tôi nghĩ, trong những ngày tới, giá sẽ bình ổn trở lại" - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV chia sẻ.

Áp lực thu hoạch vụ Đông Xuân không hề nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp, các thương lái có thể chờ đợi để theo dõi tín hiệu của thị trường. Tuy nhiên, những cánh đồng lúa chín thì bắt buộc phải thu hoạch. Túi tiền của bà con nông dân đang hẹp dần.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá lúa và gạo xuất khẩu của Việt Nam đột ngột giảm mạnh là do đang vào vụ mùa chính của năm 2024 nên lượng cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Tuy nhiên, xu thế giảm của giá gạo sẽ không kéo dài. Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tăng sự chủ động về nguồn cung. Hiện các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đang đẩy mạnh thu mua lúa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%).

Với sản lượng trên đã áp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn.

Nhờ đó, giá trị xuất khẩu gạo đã đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Năm 2024, với diện tích 7,1 triệu ha gieo cấy, ngành nông nghiệp sẽ thâm canh tăng năng suất để sản lượng lúa đạt từ 43-43,5 triệu tấn.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Sau Tết, giá lúa biến động ra sao?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.