Tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" bị phạt ra sao?

11/04/2024 12:30

Để tìm hiểu tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, trước hết cần phải xác định được thuật ngữ khiêu dâm là gì.

Như báo chí đã đưa tin, liên quan đến vụ 2 bé gái mất tích trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Tp.HCM), Cơ quan CSĐT Công an quận 1, Tp.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, ngụ Tiền Giang) để điều tra về hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm theo điều 147 BLHS 2015.

Theo điều tra, vào đầu tháng 4/2024, Vi được bạn trai ở nước ngoài chu cấp tiền để thuê Căn hộ ở chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh). Căn hộ này là nơi Vi dùng để quay các clip khiêu dâm rồi chuyển ra nước ngoài.

Vậy, tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Để tìm hiểu tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, trước hết cần phải xác định được thuật ngữ khiêu dâm là gì.

Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 (Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và mở cho các nước ký, phê chuẩn, gia nhập theo Nghị quyết A/RES/54/263, ngày 25/5/2000. Có hiệu lực từ ngày 18/01/2002. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/12/2001) đã đưa ra định nghĩa về văn hóa phẩm khiêu dâm, theo đó: “Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em nghĩa là bất kỳ sự trình bày nào, bằng bất kỳ phương tiện gì, về trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách thực sự hoặc mô phỏng, hay bất cứ sự trình bày nào về các cơ quan sinh dục của trẻ em, mà chủ yếu là nhằm các mục đích tình dục”.

Hiện nay, có một số văn bản pháp lý của Việt Nam đã định nghĩa về khiêu dâm. Theo đó, khoản 5 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (sau đây gọi là Nghị định số 178/2004) giải thích về thuật ngữ khiêu dâm như sau: “Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục”. Trong khi đó, Thông tư số 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/8/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa định nghĩa cụ thể, rõ ràng hơn: “Khiêu dâm là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, bao gồm: Mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.

Điều 147 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khái niệm “trình diễn khiêu dâm” và “trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm” đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS năm 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (sau đây gọi là Nghị quyết số 06/2019), theo đó: “Trình diễn khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức”; còn “trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Có mục đích thương mại; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tyỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài các khung hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

BLHS một số quốc gia đưa ra khái niệm khiêu dâm là gì?

Tham khảo BLHS một số nước có thể thấy, Điều 8 Chương 6 BLHS Thuỵ Điển quy định về tội danh này như sau: “Người nào khuyến khích hoặc bóc lột trẻ dưới 15 tuổi thực hiện hoặc tham gia vào việc trình diễn khiêu dâm thì bị phạt tiền hoặc phạt tù đến hai năm về tội “Bóc lột trẻ em trình diễn khiêu dâm”.

Tại Điều 10a Chương 16 BLHS Thụy Điển quy định: “Người nào vẽ chân dung trẻ em trong các bức tranh khiêu dâm hoặc phổ biến, chuyển giao, trưng bày hoặc bằng các hình thức khác nhằm phổ biến các hình ảnh khiêu dâm đó cho người khác hoặc mua, đề nghị mua các hình ảnh khiêu dâm của trẻ em hoặc làm trung gian giữa người mua và người bán hình ảnh khiêu dâm trẻ em, hoặc thực hiện các biện pháp để thúc đẩy việc mua bán, chiếm hữu bức tranh đó hoặc sở hữu hoặc xem hình ảnh khiêu dâm trẻ em thì phạm tội khiêu dâm trẻ em và bị phạt tù đến 2 năm.

Như vậy có thể thấy, tội phạm về khiêu dâm trẻ em được BLHS Thụy Điển quy định trong 02 tội danh là tội “Bóc lột trẻ em trình diễn khiêu dâm” và tội “Khiêu dâm trẻ em”. Về mặt nội dung, có sự tương đồng nhất định giữa BLHS Thụy Điển và chuẩn mực quốc tế đối với dấu hiệu không thể thiếu của các tội phạm về khiêu dâm trẻ em. Đó là hành vi “khuyến khích hoặc bóc lột trẻ em thực hiện hoặc tham gia vào việc trình diễn khiêu dâm”.

Về đối tượng bị xâm hại của tội phạm, BLHS Thụy Điển quy định gồm: Trẻ em dưới 15 tuổi hoặc trẻ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu tính chất của việc trình diễn có thể gây nguy hại cho sức khỏe hoặc cho sự phát triển của trẻ em đối với tội “Bóc lột trẻ em” trình diễn khiêu dâm; trẻ em đang trong giai đoạn dậy thì hoặc người dưới 18 tuổi đối với tội “Khiêu dâm trẻ em”.

Tại Nhật Bản, theo khoản 3 Điều 2 Đạo luật về quy định và trừng phạt các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em và nhằm mục đích bảo vệ trẻ em đã đưa ra khái niệm “khiêu dâm trẻ em”. Theo đó “khiêu dâm trẻ em” được định nghĩa là hình ảnh, phương tiện ghi hình có chứa các bản ghi điện tử hoặc từ tính (có nghĩa là bản ghi được sử dụng trong xử lý thông tin trên máy vi tính được tạo ở dạng điện tử, từ tính hoặc bất kỳ hình thức nào khác không thể cảm nhận được bằng các giác quan của con người) hoặc bất kỳ phương tiện nào sau đây mô tả hình ảnh của trẻ em, dưới dạng có thể nhận biết bằng giác quan: Bất kỳ hình ảnh nào về quan hệ tình dục hoặc bất kỳ hành vi nào tương tự như quan hệ tình dục với trẻ em hoặc giữa trẻ em; bất kỳ hình ảnh nào về trẻ em có cơ quan sinh dục bị người khác chạm vào hoặc trẻ em chạm vào cơ quan sinh dục của người khác nhằm khơi dậy hoặc kích thích ham muốn tình dục; bất kỳ hình ảnh nào của trẻ em khỏa thân toàn bộ hoặc một phần, trong đó các bộ phận cơ thể tình dục của trẻ em (cơ quan sinh dục hoặc các bộ phận xung quanh, mông hoặc ngực) bị phô bày hoặc nhấn mạnh nhằm khơi dậy hoặc kích thích ham muốn tình dục.

T.M

Bạn đang đọc bài viết "Tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm" bị phạt ra sao?" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.