Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Nút áo Tôn Văn và con gái Tôn Nữ Xuân Quyên: Tiếp nối di sản

16/02/2024 12:16

Thách thức lớn mà các doanh nghiệp gia đình gặp phải trong quá trình chuyển giao chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận. Thế nhưng, với cha con gia đình “Tôn Văn và BluSaigon” thì đó là một sự kế thừa thống nhất quan điểm, hướng đi và nhẹ nhàng, không áp lực.

Vị thế

Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Nút áo Tôn Văn và con gái Tôn Nữ Xuân Quyên: Tiếp nối di sản

Nguyễn Phương • 14/02/2024 12:00

Thách thức lớn mà các doanh nghiệp gia đình gặp phải trong quá trình chuyển giao chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận. Thế nhưng, với cha con gia đình “Tôn Văn và BluSaigon” thì đó là một sự kế thừa thống nhất quan điểm, hướng đi và nhẹ nhàng, không áp lực.

Rất vui khi con cái kế nghiệp nghề truyền thống gia đình

* Thưa ông, ông đánh giá công ty gia đình như thế nào?

- Công ty gia đình là một mô hình kinh tế của mọi quốc gia và là trụ cột kinh tế trong giai đoạn đầu phát triển đất nước. Dù có những công ty gia đình việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa tuân thủ pháp luật đầy đủ nhưng đã giải quyết được việc làm cho một số lượng không nhỏ công nhân. Hơn nữa, đôi khi cách quản lý chưa chặt chẽ lại phù hợp với công nhân mà đa số là từ nông dân chưa quen với tác phong công nghiệp, vì thế làm việc ở công ty gia đình xem như một cách để trưởng thành.

Ở nhiều quốc gia châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc, có nhiều công ty gia đình duy trì cả trăm năm, vài trăm năm, chứng tỏ vai trò không thể thiếu của nhiều ngành nghề sản xuất mà chỉ công ty gia đình mới đáp ứng được. Tiếc rằng dưới áp lực lợi nhuận và sợ rủi ro nhiều ngân hàng không ưu ái cho doanh nghiệp gia đình. Chính sách của Nhà nước cũng chưa chú trọng đến công ty gia đình, đặc biệt là vốn đầu tư. Hệ quả là hiện nay nhiều người thất nghiệp, sản xuất ít phát triển.

Doanh nghiệp gia đình đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thường gặp khó khi khởi nghiệp. Cho nên cần thông cảm với nỗi khó khăn và cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp gia đình đã kinh doanh thành công.

p1535952.jpg

Chúng tôi đang chuyển giao công ty cho con, từng bước, nhẹ nhàng, không gây áp lực. Tập cho con kế thừa nhưng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cái bóng của thế hệ trước.

* Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn chưa nhiều doanh nghiệp gia đình tạo được thương hiệu quốc tế?

- Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều doanh nghiệp gia đình không gượng dậy được sau những lần thất bại đầu tiên. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp gia đình chuyển sang kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán… Nói chung có nhiều lý do nên doanh nghiệp gia đình chưa tạo được thương hiệu lớn. Đó cũng là điều bình thường của một đất nước đang phát triển, phải cần thêm thời gian.

* Năm 2024, chắc ông có nhiều kế hoạch phát triển kinh doanh…

- Năm 2023 là một năm khó khăn nên doanh thu của công ty tôi giảm khoảng 30%, lợi nhuận giảm nhiều hơn. Vì vậy kế hoạch cho năm 2024 là đưa doanh số và lợi nhuận về mức của năm 2022, bên cạnh đó sẽ cho ra một số sản phẩm mới (chưa tiết lộ được) để phòng khi doanh số giảm sút do khách quan.

Nghề chính của công ty chúng tôi là nút áo bằng vỏ sò, ốc cho nên khi khởi nghiệp 27 năm trước, chúng tôi hy vọng sẽ bán cho thị trường nội địa, đặc biệt là các công ty may mặc xuất khẩu. Tuy nhiên đến nay doanh số bán trong nước chỉ chiếm 10%, mà khách hàng phần lớn là các công ty may mặc nước ngoài như Đức, Nhật Bản. Có một số doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về Việt Nam mà đó là sản phẩm của Tôn Văn chúng tôi. Hy vọng thời gian tới doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam sẽ biết Tôn Văn nhiều hơn.

* Cách chuyển giao thế hệ của gia đình ông?

- Chúng tôi rất vui khi con cái kế nghiệp nghề truyền thống gia đình. Chúng tôi đang chuyển giao công ty cho con, từng bước, nhẹ nhàng, không gây áp lực. Tập cho con kế thừa nhưng không bị ảnh hưởng nhiều bởi cái bóng của thế hệ trước.

Tôn Nữ Xuân Quyên nói gì?

“Cũng có áp lực, không phải đến từ ba mẹ, mà là sự tiếp nối và đổi mới”

* Bạn quyết định gánh vác công ty gia đình như thế nào?

- Tôi trưởng thành trong cái nôi kinh doanh của gia đình. Điều tuyệt vời là ba mẹ cho tôi tự do chọn công việc ưa thích. Tôi yêu đất nước mình nên quyết định trở về, theo phương châm “Đến để học, ra đi để phục vụ”. Khi trở về, tôi được ba cho làm riêng. Đầu tiên tôi làm kiểm toán, sau đó là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Trong 7-8 năm, tôi bươn chải để vượt qua thời gian khó khăn bằng cách làm thêm việc bên ngoài để giữ gìn công ty startup.

Tới 2018, tôi trở về với thế mạnh của gia đình: Sản xuất nút áo từ vỏ ngọc trai (Công ty Tôn Văn). Dù vậy tôi không chọn kế nghiệp đơn thuần. Tôi dựa trên nền tảng sản phẩm của Tôn Văn nhưng về quản trị, quản lý BLUSAIGON tách hẳn công ty mẹ. Và tôi cũng có áp lực, không phải đến từ ba mẹ, mà là sự tiếp nối và đổi mới. Tôi biết ba mẹ xác định làm việc tới 75 tuổi. Tính ngược lại trong 10 năm thì tôi phải đạt được những cột mốc nào đó. Đầu tiên, nút áo của ba mẹ đã xuất khẩu nhiều năm nhưng chưa có thương hiệu. Với mong ước tạo ra một thương hiệu quốc gia, nên bút ngọc trai BLUSAIGON ra đời. Và sau bút là khuy măng sét, kẹp caravat, phụ kiện thời trang.

45345.jpg

* Thời ba mẹ bạn kinh doanh gặp nhiều khó khăn, còn thời của bạn?

- Đến thời của tôi, ba mẹ không để mình phải khổ. Tôi may mắn khi ba mẹ để cho mình “đủ” chứ không có dư. Thời ba mẹ thiếu nhà cung cấp, máy móc, thông tin thị trường, không có Internet, mọi thứ đều phải mày mò. Nhưng điểm mạnh của thời ba mẹ là khi thị trường mở cửa cũng mở ra nhiều cơ hội, hầu hết người khởi nghiệp trong ngành sản xuất đều thành công. Còn thời của mình, do sống trong thời đại thông tin, cái gì cần cũng có thể giao tới nhà. Chính vì có quá nhiều, nên sự lựa chọn không chỉ nằm ở vấn đề “cần” mà phải đáp ứng cao hơn trong tháp Maslow (nhu cầu của con người).

Thời của ba đáp ứng nhu cầu mức tầm trung, giờ mình phải nâng cái tầm đó lên, giúp khách hàng cảm được sự độc đáo của sản phẩm, làm cho khách hàng thấy khác biệt. Khách hàng cũng khó tính hơn trong thế giới phẳng, hàng hoá không còn biên giới nữa. Buộc mình phải tìm ra điểm khác biệt khi thế giới có quá nhiều thứ đã được đáp ứng. Thời trước là cá lớn thắng cá bé, còn thời của tôi là cá nhanh thắng cá chậm. Điều đó đặt ra áp lực không hề nhỏ để doanh nghiệp tồn tại. Nhưng như vậy kinh doanh mới thú vị.

* Gia nhập công ty gia đình nhưng có một hướng đi riêng tách khỏi công ty mẹ. Bạn có những khó khăn hay thuận lợi gì?

- Thế hệ doanh nhân ngày nay được kế thừa nền tảng sản xuất, sự kiên trì, bền bỉ của thế hệ trước. Nhưng nhu cầu hiện nay không chỉ tốt gỗ mà còn phải tốt nước sơn, theo mô hình OEM (sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác) doanh nghiệp sẽ không giỏi về Sale và Marketing, vì thế tôi phải học thêm rất nhiều để thích ứng với sự chuyển biến thị trường thời đại 4.0. Học nhanh để thích nghi không phải dễ, nhưng nền tảng gia đình với hệ thống sản xuất giúp tôi có lợi thế là được học trong một thời gian dài, nhìn thấy những gì diễn ra, hiểu được sản phẩm, hiểu được điểm mạnh của mỗi thế hệ để cùng đồng hành.

* Đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ của bạn và phụ huynh?

- Thế hệ của ba mẹ giỏi về quản lý tài chính, kiên nhẫn để đưa công ty phát triển. Bắt đầu chỉ có ba mẹ và 6 người thợ thủ công. Sau 10 năm, ba mẹ đã thuê được một địa điểm mới cho Tôn Văn. 5 năm tiếp theo ba mẹ xây xưởng mới trên chính mảnh đất của mình. Với tính cách kiên trì, ba mẹ không dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn. Điều đó giúp tôi kiên nhẫn hơn.

Tôi học được nhiều về tinh thần cầu tiến của ba. Khi kinh doanh nút áo ổn định, ba mẹ kinh doanh sâm Ngọc Linh, thủy điện, lắp ráp máy nước nóng, năng lượng điện mặt trời, trồng hành tây. Sau hơn 20 năm, ba mẹ bắt đầu có tuổi nên cần sự đồng hành của con cái.

Tôi phải mất 7-8 năm để gầy dựng công ty thứ hai, và khởi nghiệp lần ba là BLUSAIGON. Điểm mạnh là tôi tập trung nguồn lực để đưa BLUSAIGON lên một tầm cao mới. Điểm yếu là tôi “để hết trứng vào một giỏ”. Đó là tính khác biệt giữa hai thế hệ. Điểm khác biệt thứ ba là thế hệ trước chỉ tập trung sản xuất mà không cập nhật kỹ năng chuyển đổi số. Trao đổi giữa các nghệ nhân chỉ bằng lời nói. Đến thời đại của tôi, mọi thứ đã khác, đó là phải hiểu về sale và marketing, áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Và tôi có trách nhiệm đào tạo nhân sự cho công ty mẹ và BLUSAIGON.

Đôi khi cũng có một số vấn đề mâu thuẫn giữa hai thế hệ, như gọi vốn đầu tư vì trước đây ba mẹ không cần góp vốn từ bất cứ ai. Thế hệ ba mẹ không có khái niệm về Marketing và quản trị thương hiệu, trong khi BLUSAIGON đẩy mạnh branding, advertising… khiến ba mẹ khó hiểu nhưng tôi tin chiến lược của mình là đúng và sẽ dần chứng minh cho ba mẹ thấy kết quả.

* Kế hoạch của bạn trong năm 2024 và tiếp theo?

- Tôi tập trung phân phối sản phẩm. Trước tới nay chúng tôi chỉ có một cửa hàng ở phía Nam, khi khách hàng muốn tới trải nghiệm sản phẩm thì khu vực phía Bắc chưa có, vì vậy mở thêm cửa hàng là điều quan trọng trong năm nay. Thứ hai là “đóng gói” mô hình kinh doanh để nhân rộng. Tôi sẽ lựa chọn nhà đầu tư phù hợp sau khi đã có nền tảng sản xuất cộng với 3 năm R&D sản phẩm. Tôi đang hợp tác với các nhà thiết kế Pháp, Đức cùng đội ngũ BLUSAIGON đủ mạnh cho ba năm tới. Thứ ba là tập trung chuyển đổi số tốt hơn nữa, kết hợp hoạch định mục tiêu công ty rõ ràng và vận hành theo nhịp cứ 3 tháng đánh giá kết quả một lần để điều chỉnh. Thứ tư là nâng cao trải nghiệm khách hàng trong việc demo tính năng cá nhân hoá bằng cách ứng dụng công nghệ mới. Và cuối cùng, tập trung cho chìa khóa thương hiệu - tiếp tục tung ra 2-4 bộ sưu tập một năm, trước mắt là bộ sưu tập mới của BLUSAIGON trong tháng 3 tới.

* Những mô hình công ty gia đình mà bạn học được?

- Mỗi công ty gia đình có quy mô khác nhau, mình chỉ cảm nhận được thôi, ví như gia đình Rockefeller, gia đình Samsung... Ở Việt Nam có gia đình Vingroup, Sovico, Biti’s... Tôi được truyền cảm hứng từ Vingroup, với quy mô doanh nghiệp gia đình nhưng mọi hoạt động đều nhanh, nếu không hiệu quả thì lập tức thay đổi để giảm thiểu rủi ro. BLUSAIGON và Vingroup có điểm chung là tự hào sản xuất sản phẩm của Việt Nam và muốn đóng góp cho quốc gia phát triển. Nếu Vingroup là trụ cột kinh tế tác động tới cả xã hội thông qua xây dựng hệ sinh thái bao gồm cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng, ô tô điện thì Blusaigon có tinh thần dấn thân với định hướng đem tặng phẩm thủ công Việt Nam ra thế giới.

* Xin cám ơn ông và bạn về những chia sẻ!

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Nút áo Tôn Văn và con gái Tôn Nữ Xuân Quyên: Tiếp nối di sản" tại chuyên mục Doanh nhân. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.