Người Việt chưa dứt 'cơn nghiện' khuyến mãi khi đặt đồ ăn online

30/03/2024 08:14

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi khi sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.

Hơn 70% nữ giới lựa chọn khuyến mãi là yếu tố quyết định chốt đơn khi đặt đồ ăn online. Ảnh: Nhật Sinh.

Theo báo cáo mới của iPOS, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam trong năm vừa qua ước đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022.

Nhờ sự tiện ích, thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ.

Sân chơi riêng của GrabFood, ShopeeFood

Năm vừa qua, iPOS chứng kiến sự tăng trưởng số lượng cửa hàng trực tuyến trên các ứng dụng giao đồ ăn. Tuy vậy, thị phần cửa hàng trực tuyến gần như giữ nguyên so với năm 2022, chỉ chiếm khoảng 53,1%.

Trên thực tế, các ứng dụng giao đồ ăn cũng vấp phải làn sóng dừng hoạt động. Đồng thời, lượng cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao.

Nhìn chung, thị trường giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều dư địa để tăng trưởng thị phần khi mới có hơn 50% doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi này.

Năm 2023 ghi nhận sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của nền tảng ShopeeFood tại các thành phố loại II và III. Với gần 43% doanh nghiệp hợp tác sử dụng, ShopeeFood đang nhỉnh hơn 2% so với đối thủ đứng sau là GrabFood.

TỶ LỆ ỨNG DỤNG GIAO ĐỒ ĂN ĐƯỢC CÁC NHÀ HÀNG LỰA CHỌN
Nguồn: iPOS.
NhãnShopeeFoodGrabFoodKhông sử dụngBeFoodGoFoodBaeminLoshipỨng dụng khác
Tỷ lệ % 42.9440.6146.910.849.787.524.068.55

Với gần 11% doanh nghiệp đăng ký sử dụng, BeFood cũng đang là "tay chơi" đáng chú ý trong năm vừa qua. Đáng chú ý hơn, nền tảng này mới chỉ hoạt động tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Baemin là ứng dụng gây tiếc nuối nhất khi tuyên bố rời thị trường Việt Nam vào đầu tháng 12/2023, qua đó khép lại hành trình gần 5 năm sóng gió.

Theo khảo sát, ứng dụng gọi đồ ăn đến từ Hàn Quốc được nhiều thực khách trẻ tuổi yêu mến nhất do có thiết kế đẹp và thông điệp truyền thông sáng tạo. Thời điểm rời đi, ước tính có khoảng 7,5% doanh nghiệp F&B hợp tác với Baemin.

Kinh doanh online đang giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền. Trong danh sách các doanh nghiệp F&B sử dụng ứng dụng giao đồ ăn, gần 48% doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm 25-50% tổng doanh thu. Mặt khác, chỉ gần 10% doanh nghiệp có doanh thu online đóng góp trên 50% vào tổng doanh thu.

Hầu hết doanh nghiệp F&B kinh doanh trên các nền tảng gọi đồ ăn thừa nhận GrabFood và ShopeeFood đem lại nguồn doanh thu cao nhất cho cửa hàng với tỷ lệ tương đối cân bằng, khoảng 41%. Con số này với GoFood là 2% và Baemin chỉ 1%. Các ứng dụng còn lại khoảng 12%, hầu hết hoạt động tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng của 2 ông lớn dẫn đầu thị trường.

Người dùng không còn bạo chi

“Nhu cầu đặt đồ ăn trên các ứng dụng không những không giảm mà còn tăng trưởng nhẹ”, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO hệ thống Cơm Thố Anh Nguyễn, chia sẻ.

Theo chủ kinh doanh này, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 chưa ghi nhận tín hiệu khó khăn về mặt kinh tế. Đây cũng là giai đoạn các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vẫn hào phóng tung ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng.

Song, vào nửa cuối năm, biến động về kinh tế đi kèm động thái ngừng "đốt tiền" của các ứng dụng khiến hệ thống ngấm đòn.

iPOS cho biết tỷ lệ người gọi món qua ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến có dấu hiệu giảm so với năm trước đó. Cụ thể, hơn 20% đáp viên khẳng định không sử dụng các ứng dụng gọi đồ ăn trong năm 2023, tăng mạnh so với tỷ lệ 13% vào năm 2022.

NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH ĐẶT ĐỒ ĂN CỦA THỰC KHÁCH
Nguồn: iPOS.
NhãnCó nhiều khuyến mãi/giảm giáGiá rẻLượt đánh giá trước đóQuán có bán comboFreeshipVị trí gầnThời gian chế biến nhanh
Tỷ lệ % 65.938.748.720.645.750.222.3

Mức độ chi tiêu của khách hàng tại các ứng dụng đang suy giảm. Phần lớn đáp viên thậm chí cho biết muốn chủ động đến tận nơi mua đồ để tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Khảo sát của iPOS cũng cho thấy thực khách thích khuyến mãi hơn giá bán rẻ. Đây là hiệu ứng tâm lý được nhiều hàng quán sử dụng trên các nền tảng giao đồ ăn.

Theo đó, khuyến mãi không làm ảnh hưởng quá nhiều tới định vị sản phẩm trong khi người tiêu dùng vẫn đặt đơn vì cảm giác “lời hơn”.

“Việc cân nhắc ưu đãi có lợi nhất là sở thích của các chị em. Trong đó, hơn 70% nữ giới lựa chọn khuyến mãi là yếu tố quyết định chốt đơn”, báo cáo của iPOS nêu.

Đáng chú ý, gần 48% thực khách lựa chọn ShopeeFood nếu tất cả ứng dụng giao đồ ăn đều không có khuyến mãi, kế đó là GrabFood. Dù ít có các hoạt động trong năm và bị khai tử vào cuối 2023, Baemin vẫn chiếm được cảm tình của nhiều người sử dụng, với gần 5% lượt lựa chọn.

Trước khi đặt món, người dùng cũng cân nhắc các yếu tố như vị trí địa lý, dịch vụ miễn phí giao hàng hay lượt đánh giá của khách hàng trước đó.

Với mức chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao hiện tại, vị trí địa lý gần là sự trung hòa cho thời gian giao hàng nhanh và chi phí thấp. Chỉ 5% thực khách không quan tâm đến phí này trong khi có tới 50% đáp viên mong muốn chi phí vận chuyển chỉ dưới 15.000 đồng.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt chưa dứt 'cơn nghiện' khuyến mãi khi đặt đồ ăn online" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.