Bộ trưởng Tài chính Armenia Vahe Hovhannisyan cho biết chính phủ nước này dự định chi hơn 1,7 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2025, tăng 20% so với ngân sách năm nay và chiếm khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia vùng Kavkaz.
Ông cũng cho biết Armenia dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 5,8% vào cuối năm nay, nhưng dự kiến mức tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,6% vào năm tới.
Thông tin trên được ông Hovhannisyan đưa ra trong các cuộc đàm phán ngân sách tại quốc hội Armenia hôm 28/10.
Trước đó, hồi cuối tháng 9, dự thảo ngân sách nhà nước đã được chính phủ Armenia phê duyệt, trong đó bao gồm mức dự chi nói trên cho quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các ở Yerevan hôm 26/9, ông Hovhannisyan cho biết kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết để thúc đẩy "khả năng chống chịu của đất nước trước những rủi ro có thể xảy ra" đối với an ninh quốc gia.
Chính phủ không công bố chi tiết các khoản chi tiêu mà Bộ Quốc phòng Armenia sẽ thực hiện. Do đó, không rõ phần nào trong ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ được chi cho việc mua sắm vũ khí.
Nga trong nhiều thập kỷ đã là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chính cho Armenia. Nhưng do rạn nứt sâu sắc với đồng minh truyền thống của mình, quốc gia Nam Kavkaz đã đa dạng hóa đáng kể các nguồn mua vũ khí của mình trong 2 năm qua.
Ấn Độ và Pháp hiện có vẻ là những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Yerevan. Armenia cũng đã ký các thỏa thuận mua vũ khí từ một số quốc gia.
Tờ Times of India hôm 28/10 đưa tin rằng Armenia đã nổi lên là khách hàng lớn nhất của họ đối với các hệ thống vũ khí "hoàn thiện", như hệ thống tên lửa phòng không Akash, hệ thống tên lửa phóng đa nòng Pinaka và pháo 155mm, cùng nhiều loại vũ khí khác. Tờ báo này còn cho biết thêm rằng Pháp và Mỹ cũng đang mua thiết bị quân sự từ Ấn Độ.
Minh Đức (Theo Asbarez, RFE/RL)
Hoặc