Bất an bên những quả đồi nguy cơ sạt lở ở Kon Tum

18/10/2024 00:32

Trước thời tiết mưa bão triền miên, nhiều hộ dân sinh sống dưới chân những quả đồi cao nơm nớp lo sợ thảm cảnh sạt lở xảy ra.

Sợ sạt lở ban đêm không biết đường nào mà chạy 

Huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, những cơn mưa lớn có thể kéo dài cả tuần, thậm chí là cả tháng trời. Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi cao, người dân chủ yếu sống tập trung tại lưng chừng các sườn đồi. 

Thời gian qua, nơi đây mưa kéo dài triền miên, khiến người dân luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng trước nguy cơ sạt lở.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin ngày 16/10, tại thôn Pêng Sal Pêng (xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei), là nơi định cư của người đồng bào dân tộc Giẻ Triêng.

Do địa hình đồi núi bao quanh, với những con dốc cao, nên người dân chủ yếu dựng nhà cửa dưới chân núi, hoặc dọc theo các sườn đồi. Gần đây mưa lớn triền miên, khiến các hộ dân lo sợ các quả đồi có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.

Bất an bên những quả đồi nguy cơ sạt lở ở Kon Tum- Ảnh 1.

Sống dưới chân quả đồi cao, anh Doen rất lo lắng mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Chia sẻ với PV, anh A Doen (50 tuổi, trú tại thôn Pêng Sal Pêng) cho biết: "Khu vực làng mình sinh sống bao quanh là các dãy núi cao. Không có quỹ đất bằng phẳng, nên người làng đều sống tập trung dưới các chân núi.

Thời tiết mưa nắng thất thường, có những hôm mưa lớn kéo dài cả tuần không ngớt, khiến một số nơi bị sạt lở nhưng ở mức độ nhỏ, đất đá bị cuốn từ đỉnh núi xuống làm ách tắc giao thông. Người dân luôn sống trong tình cảnh bất an, sợ sạt lở vào đêm khuya đang ngủ thì không biết đường nào mà chạy kịp".

Bất an bên những quả đồi nguy cơ sạt lở ở Kon Tum- Ảnh 2.

Địa hình là đồi núi nên người dân hầu hết làm nhà ở dưới chân đồi.

Vận động người dân đến nơi an toàn

Cách nhà anh Doen không xa là căn nhà của anh A Mốt (ngụ thôn Pêng Sal Pêng) nằm trơ trọi ngay dưới một quả đồi cao. "Địa hình ở đây rất phức tạp, một bên là đồi núi cao, một bên là khe suối sâu. Mỗi khi mùa mưa đến là đất đai sạt trượt xuống nhà của các hộ dân. Hôm nào mưa to là cả nhà thức trắng đêm", anh A Mốt nói.

Bình Định: Ưu tiên di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở caoPhong tỏa hiện trường phát hiện bom tại dự án kè chống sạt lở

Trước kia nơi gia đình anh A Hoàng sinh sống, là một căn nhà tạm bợ, phía sau là khu vườn rộng mênh mông trồng các loại cây, hoa màu.

Những năm gần đây, mỗi năm con suối sau nhà lại bào mòn một ít, khiến khu vườn của anh theo suối trôi đi.

Căn nhà hiện tại gia đình anh đang ở đã nằm sát cạnh mép suối, nguy cơ bị nước cuốn trôi lúc nào không hay.

Bất an bên những quả đồi nguy cơ sạt lở ở Kon Tum- Ảnh 3.

Nhiều người dân có nhà dưới chân núi rất lo lắng khi mùa mưa bão đến.

Anh Hoàng lo lắng nói: "Đất đai, cây cối cứ theo con suối trôi đi mỗi đi có mưa lớn. Những năm trước, sau vườn mình trồng cây ăn trái mít, nhãn, hoa màu, ngô, đậu. Mấy năm trở lại đây, đất đai sạt lở nghiêm trọng cây cối bị cuốn trôi. Để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, sắp tới mình phải tìm nơi ở khác".

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Cường Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đăk Glei, cho biết: "Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy cơ bị sạt lở mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đến những nơi an toàn. Về lâu dài, thị trấn cũng đã rà soát, báo cáo huyện để có phương án xử lý những điểm có nguy cơ sạt lở cao".