Sáng 6/9, khu vực biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận mưa và gió từng đợt ngắt quãng, trong đó, đáng chú ý khi bãi biển Sầm Sơn nổi tiếng với những con sóng lớn tại miền Bắc bỗng bình lặng bất thường. Đồng thời, thủy triều trong sáng cùng ngày cũng rút sâu hơn mọi khi.
Theo quan sát của Người Đưa Tin, sáng cùng ngày nước biển Sầm Sơn rút sâu hơn khoảng hàng chục mét so với các mép nước thường ngày. Trong khi đó, sóng biển Sầm Sơn thường ngày là những cột sóng cao thì nay lại chỉ là những gợn nhẹ li ti, cao trên dưới 20cm, yên ả.
"Sáng nay chúng tôi ra biển sớm để đưa thuyền lên trên đường Hồ Xuân Hương để tránh trú bão. Thường trước các cơn bão nhiệt đới trước đây tầm thời điểm này thì biển thường động mạnh và nước dâng cao. Tuy nhiên, sáng nay nước biển rút sâu và sóng rất lặng. Thường là dấu hiệu cho thấy cơn bão đang vào sẽ rất to", ngư dân Nguyễn Hữu Cường (38 tuổi, trú P.Trung Sơn, Tp.Sầm Sơn) chia sẻ kinh nghiệm.
Bằng kinh nghiệm lâu năm cùng những thông báo kịp thời của chính quyền địa phương, sáng 6/9, nhiều người dân đã tập trung hỗ trợ nhau di chuyển các phương tiện đánh bắt lên phía trên tuyến đường Hồ Xuân Hương chạy dọc bờ biển để chằng giữ, chống bão.
Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương gồm nhà hàng, khách sạn ven biển cũng đã chuyển sang trạng thái cửa đóng then cài, phòng giữ trước siêu bão Yagi.
"Sầm Sơn hàng chục năm nay may mắn chưa có cơn bão nào lớn đổ bộ vào. Lần này mặc dù đài báo bão nhiều khả năng sẽ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng với bão cấp 17 thì ảnh hưởng của nó cũng là rất to. Tôi đã từng chứng kiến cơn bão số 6 năm 1989 nên biết mức độ tàn phá khủng khiếp của bão, dặn con cháu đề phòng chằng buộc nhà cửa cẩn thận, không được lơ là", ông Nguyễn Hữu Chính (55 tuổi, kinh doanh khách sạn tại phường Bắc Sơn, Tp.Sầm Sơn) cho biết.
Trao đổi trước đó với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn cho biết, hiện địa phương lập các tổ liên tục trực tiếp đôn đốc kiểm tra công tác phòng chống bão tại các khu vực xung yếu địa phương như bến tàu, tuyến đê biển sông Mã, cửa sông Mã... đồng thời kêu gọi, yêu cầu các phương tiện thủy nhanh chóng vào nơi tránh trú bão. Tích cực tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện công tác gia cố nhà cửa, hàng quán. Bên cạnh đó, quan tâm hướng dẫn tạo điều kiện đảm bảo an toàn tối đa cho du khách tại địa phương trước siêu bão Yagi.
"Địa phương khẩn trương rà soát di dời người dân và tài sản đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn với phương châm không lơ là chủ quan, đồng thời chủ động thực hiện tốt, đầy đủ các nội dung chỉ đạo trong Công điện của UBND tỉnh Thanh Hóa", ông Tú thông tin.
Để chủ động ứng phó với siêu bão Yagi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký công điện khẩn, trong đó yêu cầu cấm biển từ 12 giờ ngày hôm nay (6/9).
Một số hình ảnh ghi nhận tại biển Sầm Sơn sáng 6/9.
Hoặc