Tiền An (Thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh) là một xã mang dánh dấp của vùng trung du ven biển. Theo thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, mảnh đất này có lịch sử lâu đời, có người sinh sống cách đây hơn 1.000 năm.
Thời phong kiến, Tiền An chỉ gồm 3 thôn. Năm 1963, tỉnh Quảng Ninh ra đời, khi đó, Tiền An thuộc huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh). Đến tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết phê chuẩn thành lập Thị xã Quảng Yên, Tiền An là một trong 19 xã, phường của thị xã Quảng Yên.
Xã Tiền An nằm ở phía Đông của Thị xã Quảng Yên, khu kinh tế ven biển lớn phía Tây Quảng Ninh, cách trung tâm thị xã 3 km. Tiền An xưa vốn là vùng bãi đầm, sú vẹt hoang vu nên những người tiên phong phải vất vả khai hoang, mở đất, đắp đập ngăn mặn trở thành vùng đất phì nhiêu, giàu đẹp.
Tiền An là xã thuần nông nghiệp, có lợi thế về đất đai, diện tích canh tác làm thế mạnh phát triển sản xuất. Xã có diện tích đất nông nghiệp chuyên rau tương đối lớn, đất có độ mầu mỡ. Bên cạnh đó còn có những vùng đồi núi có thổ nhưỡng tốt, phù hợp trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn đồi.
Đây cũng là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn, đến nay, Tiền An có tổng diện tích trồng rau màu trên 1.000ha. Trong đó, có trên 170ha trồng rau an toàn.
Rau an toàn Quảng Yên có nhiều chủng loại, bao gồm rau ăn lá, rau ăn củ và thân, rau ăn hoa, rau ăn quả và hạt. Vụ đông thường có bắp cải, súp lơ, su hào, cải thảo, xà lách, cà chua. Vụ xuân hè có mướp, bầu, bí, dưa chuột, rau mùng tơi, rau đay, cải ngồng, rau muống...
Bên cạnh đó, xã đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi các mô hình canh tác, trồng rau an toàn, canh tác theo quy trình VietGAP, đổi mới cây con giống mới, có giá trị kinh tế cao; thực hiện tốt mô hình liên kết sản phẩm gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, như: Nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống bón phân tự động...
Theo số liêu đăng tải trên báo Quảng Ninh điện tử hồi cuối năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm của xã đạt 99,9%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 85%. Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã là 70,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,55%, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,73%.
Để thực hiện mục tiêu thay đổi diện mạo cũng như nâng cao thu nhập của người dân, xã đã làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp...
Năm 2023, giá trị tổng sản phẩm của xã đạt trên 686 tỷ đồng. 9 tháng năm 2024, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 592 tỷ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của xã đạt trên 19%. Cho tới nay, trên địa bàn xã có 8 doanh nghiệp và 1 HTX, trên 668 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ...
Cho tới nay, xã là một trong số các vựa rau lớn nhất tỉnh và lớn nhất thị xã Quảng Yên. Xã có nhiều mô hình nhà màng trồng rau thủy canh, rau an toàn đạt chất lượng cao; đặc biệt nhiều mô hình trồng na bở, na Đài Loan ở các thôn vườn Chay, Giếng Đá... hứa hẹn cho thu nhập cao.
*Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh
Hoặc