Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (đứng) trả lời tại họp báo Chính phủ chiều 7/10. Ảnh: VGP. |
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7/10.
Cụ thể, Thứ trưởng Phương cho biết sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) qua đi, Bộ KHĐT đã có báo cáo đánh giá sơ bộ về hậu quả của bão, trong đó xác định những thiệt hại từ cơn bão tác động làm giảm khoảng 0,75% tăng trưởng cả nước.
Tuy nhiên, trong số liệu mới được Tổng cục Thống kê đưa ra, tăng trưởng GDP quý III vẫn đạt 7,4% và tăng trưởng chung 9 tháng từ đầu năm đạt 6,82%, là các mức tăng trưởng rất tích cực.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phương cho biết thiệt hại của cơn bão mà Bộ KHĐT đưa ra trước đó là đánh giá là sơ bộ, đánh giá nhanh để báo cáo với Thủ tướng nhằm có chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, nếu không có bão xảy ra, tăng trưởng kinh tế quý III có thể còn cao hơn mức 7,4%.
Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết dựa trên kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng, Bộ vẫn tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 7% của cả năm. Thậm chí, nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn mức 7%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tích cực này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết trong các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ mà Bộ KHĐT tham mưu, có một giải pháp là những địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ mà có tiềm năng tăng trưởng cao thì cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp thiệt hại của những địa phương bị ảnh hưởng.
“Trong báo cáo, Bộ đã kiến nghị với Thủ tướng có 2 địa bàn trọng điểm mà đạt tăng trưởng ở mức cao hơn thì sẽ tác động rất tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Đây là 2 đầu tàu, động lực chính của cả nước”, lãnh đạo Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Với tinh thần như vậy, sắp tới, Bộ KHĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, triển khai thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Về các giải pháp khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua, lãnh đạo Bộ KHĐT thông tin ngay sau khi cơn bão qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão và nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống nhân dân, đẩy mạnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, Nghị quyết có 6 nội dung cơ bản và cũng thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về thứ tự ưu tiên trong các giải pháp, trong đó ưu tiên về con người, tính mạng, sức khỏe được đặt lên hàng đầu.
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tập trung ở 2 khía cạnh là tài khóa và tiền tệ, bao gồm cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất; đồng thời giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục phồi.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng khẩn trương rà soát, đánh giá để đền bù thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp.
“Đây là các chính sách tác động kịp thời, ngay lập tức để phục hồi sản xuất”, Thứ trưởng Phương nói và cho biết thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã quay trở lại sản xuất rất nhanh, chỉ sau hơn 1 tuần đã phục hồi.
Tuy vậy, ông cho biết ngành nông nghiệp và du lịch chịu tác động lâu hơn, khả năng phục hồi đòi hỏi cũng lâu hơn. Do đó, trong báo cáo Chính phủ lần này, Bộ KHĐT đã đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn đối với 2 ngành nông nghiệp và du lịch, các khu vực bị thiệt hại.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc