Boeing mất 5 tỷ USD khi hơn 30.000 công nhân đình công

16/10/2024 00:30

Kể từ khi cuộc đình công diễn ra, không một máy bay Boeing nào được sản xuất tại nhà máy ở Everett (Washington, Mỹ).

Cuộc đình công của 30.000 công nhân Boeing vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Bloomberg.

Một tháng đình công của hơn 30.000 công nhân Boeing tại các nhà máy khu vực Bờ Tây nước Mỹ đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD, theo phân tích mới nhất của hãng tư vấn Anderson Economic Group. Phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, lên đến 3,7 tỷ USD.

Kể từ khi cuộc đình công diễn ra, không một máy bay nào được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Everett (Washington, Mỹ).

"Các nhà cung cấp, doanh nghiệp quanh Seattle và khách hàng của Boeing cũng đang chịu ảnh hưởng", Patrick Anderson, CEO Anderson Economic Group cho biết.

Trong đó, các nhà cung cấp cho Boeing thiệt hại tổng cộng 900 triệu USD trong 4 tuần đầu. Công nhân các doanh nghiệp khác ở quanh Seattle thiệt hại 102 triệu USD. Khách hàng của Boeing là các hãng hàng không cũng phải gánh 285 triệu USD.

"Chi phí đang ngày một tăng do công ty vẫn tiêu lượng lớn tiền mặt. Họ có thể phải vay thêm, hoặc phát hành cổ phiếu để duy trì hoạt động qua đợt đình công này. Quá trình hồi phục sau đó cũng sẽ rất khó khăn", Anderson nói.

Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD và đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng, sau các sự cố về an toàn gần đây.

"Giải quyết các vấn đề của Boeing là công việc khổng lồ. Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ", CEO United Airlines Scott Kirby nhận định hồi đầu tháng 10.

Tuần trước, Boeing thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người, trong vài tháng tới. "Việc kinh doanh của công ty đang gặp khó", CEO Boeing Kelly Ortberg giải thích trong email gửi nhân viên.

Ở một diễn biến khác, Reuters cho hay Boeing đã nộp báo cáo đăng ký với cơ quan quản lý thị trường Mỹ cho phép nhà sản xuất máy bay này huy động tới 25 tỷ USD thông qua việc chào bán nhiều loại chứng khoán nợ và các loại cổ phiếu khác nhau.

Boeing có khoản nợ 11,5 tỷ USD đáo hạn vào ngày 1/2/2026 và đã cam kết phát hành 4,7 tỷ USD cổ phiếu của mình để mua lại Spirit AeroSystems, qua đó tiếp quản khoản nợ của công ty này.

Tính đến ngày 30/6, công ty có lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 10,89 tỷ USD.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Boeing mất 5 tỷ USD khi hơn 30.000 công nhân đình công" tại chuyên mục Tài chính.