Các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn ra sao?

10/10/2024 12:12

Báo cáo của Chính phủ ghi nhận 72 doanh nghiệp Nhà nước báo lỗ trong năm 2023 và 134 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế với tổng quy mô là 115.270 tỷ đồng.

EVN lỗ tổng cộng hơn 47.500 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Ảnh: EVN.

Chính phủ mới đây đã có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.

Qua tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 671 doanh nghiệp Nhà nước (473 đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 đơn vị do Nhà nước nắm giữ trên 50%), Chính phủ cho biết các doanh nghiệp nắm giữ tổng tài sản lên đến gần 3,9 triệu tỷ đồng.

72 doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ năm 2023

Trong năm 2023, thống kê của Chính phủ ghi nhận 72 doanh nghiệp, chiếm 11% tổng số doanh nghiệp Nhà nước, phát sinh lỗ với tổng giá trị 33.703 tỷ đồng.

Có 134 doanh nghiệp, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp Nhà nước, còn lỗ lũy kế với tổng quy mô là 115.270 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD). Con số này cao gấp 1,7 lần so với kết quả tính đến cuối năm 2022.

Một số đầu tàu của ngành như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục báo lỗ hơn 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó, chủ yếu do tập đoàn phải huy động các nguồn phát điện giá cao, chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp.

Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không âm 8.377 tỷ đồng.

doanh nghiep nha nuoc,  vietnam airlines lo,  dien luc l anh 1

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 8.377 tỷ đồng. Ảnh: VNA.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm 2023. Trong khi 6/10 công ty con và 2/3 công ty liên doanh sản xuất xi măng cũng lỗ dù hầu hết doanh nghiệp đều lãi vào năm trước đó.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo lãi trước thuế gần 56.400 tỷ đồng năm vừa qua; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lãi sau thuế 6.329 tỷ đồng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lãi 5.072 tỷ đồng...

Ở khối viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) lãi trước thuế 46.331 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) lãi trước thuế 2.931 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông Mobifone lãi trước thuế 1.958 tỷ đồng...

Kết quả tổng hợp cho thấy 671 doanh nghiệp Nhà nước phát sinh lãi trước thuế năm 2023 đạt 211.198 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022.

Các doanh nghiệp này có số nợ phải trả là hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 57% tổng số nợ phải trả.

Trong khi đó, số liệu 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cho thấy có 2 công ty mẹ đang âm vốn chủ sở hữu gồm Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Hiệu quả của một số doanh nghiệp chưa tương xứng

Chính phủ đánh giá doanh nghiệp Nhà nước vẫn là đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, có vai trò chủ chốt trong một số lĩnh vực như an ninh năng lượng, lương thực, viễn thông, xăng dầu, tài chính.

Các doanh nghiệp đã triển khai rà soát, đề xuất phương án xử lý các doanh nghiệp trực thuộc, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả theo quy định như đưa vào diện giám sát đặc biệt; xử lý tài chính, khắc phục dứt điểm các tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, rà soát, xử lý công nợ, khắc phục mất an toàn tài chính; rà soát, xây dựng phương án thoái vốn đối với các dự án kém hiệu quả.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, điển hình như các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước.

Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ

Báo cáo của Chính phủ

"Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ", Chính phủ nhận định.

Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ.

Chính phủ sẽ duy trì sở hữu, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính và giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng dự án thua lỗ, kém hiệu quả và có phương án xử lý hợp lý, kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, doanh nghiệp sẽ được gắn với việc phê duyệt, tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức và giám sát thực hiện.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn ra sao?" tại chuyên mục Tài chính.