Ảnh: Sputnik/Alexei Danichev/Điện Kremlin qua Reuters.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong nhiều tháng qua đã yêu cầu các đồng minh cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp bao gồm ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh nhằm vào các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga để giới hạn khả năng tấn công của Moscow.
Trong những bình luận được đưa ra gần đây, ông Putin khẳng định, nước đi này sẽ kéo những quốc gia viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine trực tiếp vào vòng chiến vì dữ liệu xác định mục tiêu bằng vệ tinh và mã lập trình đường bay cho các tên lửa sẽ phải được thực hiện bởi các quân nhân NATO, do Kyiv không có khả năng thực hiện những bước này.
Trên truyền hình quốc gia Nga, ông Putin cho biết: "Vì vậy, đây không phải câu hỏi liệu các nước phương Tây có cho phép chính quyền Ukraine tấn công Nga bằng các vũ khí này hay không. Đây thực chất là câu hỏi liệu các nước NATO có quyết định trở nên liên quan trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự này hay không".
"Nếu họ đưa ra quyết định cho phép này, câu trả lời là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu sẽ có liên quan trực tiếp vào cuộc chiến tại Ukraine. Đây sẽ là hành động tham gia trực tiếp từ phía họ, và điều này tất nhiên sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột".
Nga sẽ bị buộc phải đưa ra "quyết định phù hợp" dựa trên những mối đe dọa mới.
Ông không nêu rõ những biện pháp mới là gì, nhưng trong quá khứ ông đã từng nhắc tới lựa chọn viện trợ vũ khí do Nga sản xuất cho các phe đối đầu với các nước phương Tây để các lực lượng này tấn công mục tiêu phương Tây tại nước ngoài. Trong tháng 6, ông đã đề cập tới khả năng triển khai tên lửa truyền thống trong tầm tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Là cường quốc hạt nhân số một thế giới, Nga cũng đang trong giai đoạn cân nhắc lại học thuyết hạt nhân của mình – những trường hợp mà Moscow sẽ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân – và ông Putin đang chịu áp lực từ một nhà hoạch định chính sách hiếu chiến có tầm ảnh hưởng lớn yêu cầu ông thay đổi học thuyết này nhằm khẳng định Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các nước "ủng hộ sự hiếu chiến của NATO tại Ukraine".
Nga cũng đang tổ chức nhiều cuộc tập trận lớn với Trung Quốc và đang cân nhắc giảm thiểu mạnh mức xuất khẩu hàng hóa.
Về những thảo luận xung quanh quyết định cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa nhằm vào Nga, các nước phương Tây nhìn nhận đây là câu trả lời cho hành động leo thang xung đột từ phía Moscow, sau khi đưa ra những khẳng định cho rằng Nga đã nhận được tên lửa đạn đạo do Iran viện trợ. Tehran nhận xét, những khẳng định này là "những thông điệp tuyên truyền ác ý".
Nga đã tổ chức chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine trong năm 2022, châm ngòi cho cuộc xung đột lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)
Hoặc