Khi công chúng Mỹ chuẩn bị đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 60 vào ngày 5/11, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ đưa một số ít tiểu bang của "xứ cờ hoa" vào tâm điểm chú ý.
Các tiểu bang này đóng vai trò to lớn trong việc quyết định kết quả cuộc đua và thường chiếm vị trí quan trọng trong bất kỳ phạm vi đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là các tiểu bang "dao động" (swing state), hay còn gọi là bang "chiến trường" (battleground state).
Đúng như cách được gọi, các bang "dao động có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử toàn quốc. Trên một số ít "chiến trường" cạnh tranh khốc liệt, giấc mơ của nhiều nhân vật quốc gia đầy tham vọng đã bị dập tắt và tan vỡ.
Năm nay không có gì khác biệt. Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang bị cuốn vào một cuộc chiến ở một số tiểu bang "phải thắng" (must-win state).
Tiểu bang “dao động”
Tiểu bang "dao động" là thuật ngữ dùng để chỉ một tiểu bang nơi có sự cạnh tranh sít sao trong các cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ. Những tiểu bang này được biết đến với mô hình bỏ phiếu khó lường.
Trong chính trị Mỹ, các cuộc bầu cử Tổng thống được quyết định bởi một hệ thống bỏ phiếu độc đáo được gọi là Đại cử tri đoàn, không phải bằng phiếu phổ thông. Vì lý do đó, các tiểu bang "dao động" có thể đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc quyết định kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng.
Mỗi một bang trong số 50 tiểu bang được phân bổ một số phiếu Đại cử tri đoàn nhất định, theo tỉ lệ dân số của bang đó. Một ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải giành được tối thiểu 270 phiếu Đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu Đại cử tri, để có thể đắc cử.
Ví dụ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng mặc dù nhận được ít phiếu bầu hơn đối thủ Hillary Clinton, bằng cách giành được 304 phiếu Đại cử tri ở các tiểu bang quan trọng.
Trong khi hầu hết các tiểu bang đều có khuynh hướng đảng phái nhất quán – như bang California từ lâu vẫn ủng hộ Đảng Dân chủ còn bang Texas là thành trì của Đảng Cộng hòa, thì một số ít tiểu bang "dao động" là nơi quyết định thành bại. Do đó, các ứng cử viên Tổng thống có xu hướng đầu tư rất nhiều nguồn lực để thu hút cử tri ở các tiểu bang "dao động".
Với số phiếu Đại cử tri được cập nhật từ cuộc điều tra dân số năm 2020, các tiểu bang quan trọng này sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, nắm giữ tổng cộng 93 phiếu Đại cử tri.
Cuộc đua sít sao
Một trong những đặc điểm để xác định một tiểu bang "dao động" là khuynh hướng chính trị mơ hồ của bang đó. Nhưng các tiểu bang từng "dao động" cũng có thể bắt đầu "ngả xanh" (chuyển sang ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ) hay "ngả đỏ" (bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa).
Vì lý do này, các tiểu bang "dao động" có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ, Florida được coi là một tiểu bang "dao động" từ những năm 1990 đến năm 2020, nhưng hiện tại, tiểu bang này được coi là bang "cực đỏ" khi số lượng cử tri Cộng hòa đăng ký tăng lên.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, các tiểu bang được theo dõi chặt chẽ là Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada và Minnesota. Bắc Carolina là tiểu bang mới tham gia nhóm các tiểu bang "dao động" này.
Các cuộc thăm dò có thể hé lộ một chút về tình hình tại các tiểu bang "dao động" và cho thấy rõ ràng ông Trump và bà Harris đang trong một cuộc đua cực kỳ sít sao.
Ví dụ, tại bang Arizona, điểm trung bình thăm dò cho thấy 2 ứng cử viên gần như ngang nhau, hoặc ông Trump giành được lợi thế mong manh là 1 điểm hoặc ít hơn.
Trong khi đó, tại bang Pennsylvania, cuộc đua cũng đang diễn ra căng thẳng, với điểm trung bình thăm dò cho thấy một cuộc đua "ngang tài ngang sức" hoặc bà Harris dẫn trước chưa đến 1%.
Minnesota có khả năng là tiểu bang "dao động" duy nhất mà bà Harris vẫn duy trì được ưu thế dẫn đầu, dẫn trước ông Trump trung bình 5-8 điểm.
Mặc dù tâm lý cử tri vẫn có thể thay đổi trong những tuần tới, nhưng dựa trên điểm trung bình thăm dò, đây chắc chắn là một cuộc đua có kết quả sít sao khi cử tri đi bỏ phiếu vào tháng 11.
Trong khi đó, cả bà Harris và ông Trump đều đã vận động tranh cử mạnh mẽ tại các tiểu bang "dao động" như Pennsylvania, Michigan và Georgia, hy vọng có thể khiến các bang này nghiêng về phía mình.
Trong diễn biến mới nhất, ngay sau cuộc tranh luận gay gắt diễn ra hồi đầu tuần, cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều nhanh chóng quay trở lại cuộc chiến giành lấy các tiểu bang "dao động": Ông Trump tới Arizona, trong khi bà Harris tới Bắc Carolina và Pennsylvania.
Ở Pennsylvania, bà Harris đã vận động tranh cử ở một số khu vực có khuynh hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa hơn của tiểu bang, ví dụ Quận Luzerne. Đó là nơi mà ông Trump đã giành chiến thắng thuyết phục vào năm 2020.
Theo cách nghĩ từ chiến dịch của bà Harris, có thể bà ấy được cho là cần phải thu hẹp khoảng cách ở những quận "đỏ" hơn trong tiểu bang "dao động" này. Và đó là cách họ nhìn nhận con đường chiến thắng cho bà ấy ở một nơi như Pennsylvania.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, TRT World, NPR)
Hoặc