Cần rà soát, xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất

23/08/2024 16:30

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất khu vực công, ông Nguyễn Văn Huệ kiến nghị tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất.

Phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm

Chia sẻ tại Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 23/8, ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả còn rất nhiều việc cần phải làm.

Theo ông Huệ, nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm, cụ thể:

Diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ. 

Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước...

Nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá. 

Công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn hầu hết theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Cần rà soát, xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật chia sẻ tại Hội thảo.

Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất theo phương thức tự thực hiện dựa trên đàm phán, thỏa thuận giữa các bên, một số trường hợp có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng chưa có đầy đủ cơ sở về tính hợp lý của định giá nên dễ dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước;

Ông Huệ cũng đưa ra một số ví dụ được các báo cáo, nghiên cứu và báo chí nêu trong thời gian qua liên quan đến bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất như: Sai phạm tại khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh; 

Hay khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng xác định khu đất đã bị một số đối tượng lợi dụng làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát cho Nhà nước 2.713 tỷ đồng. 

Sau đó, các đối tượng có liên quan đến sai phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khu đất này sau đó đã bị thu hồi và bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh quản lý....

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Cơ quan có thẩm quyền quản lý có chỗ còn chưa làm hết trách nhiệm, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.

Giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên

Từ thực trạng nêu trên, ông Huệ nêu đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất khu vực công trong thời gian tới đó là, đẩy mạnh tuyên truyền;

Đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý các dự án treo, vi phạm các quy định về pháp luật đất đai, đầu tư nhất là khu vực nhà đất công.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án vi phạm pháp luật về đất đai từ đó có các giải pháp xử lý, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đặc biệt tổng hợp đầy đủ các trường hợp vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất, việc xử lý, thu hồi đất đai các dự án này để sớm đưa đất đai vào sử dụng, phát huy hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí.... góp phần phát triển kinh tế.

Cần rà soát, xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất- Ảnh 2.

Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trong đó đề nghị nâng mức xử phạt hành chính ở mức cao hơn để hạn chế các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức. 

Kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực Nhà nước. Có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các vi phạm, sai phạm về đất đai. Chậm thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán Nhà nước không kịp thời thu hồi vốn, tài sản Nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai; đồng thời đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị thanh kiểm tra.

Đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm, Hội thảo đã thành công tốt đẹp và đạt được các mục tiêu đề ra. Hội thảo đã nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận, trao đổi của các nhà khoa học pháp lý, đại diện bộ, ngành.

Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản pháp luật liên quan về chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước.

Hội thảo đã phần nào cho thấy thực trạng, bất cập trong lĩnh vực quản lý đất đai thời gian vừa qua. Sự lãng phí, thất thoát không chỉ gây thiệt hại nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cần rà soát, xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất- Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu bế mạc Hội thảo.

Các đề xuất về giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước được nhiều đại biểu nêu ra cơ bản có cở sở tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy.

"Luật Đất đai 2024 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này", Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Đồng thời, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham luận thành báo cáo chung của Hội thảo gửi cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để tham khảo, tổ chức thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai;

TS. Trần Công Phàn nêu những tồn tại, bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất

Các cơ quan chuyên môn của Hội Luật gia Việt Nam và các đơn vị đối tác tiếp tục phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, hoạt động thiết thực, hấp dẫn hơn nữa nhằm góp phần thúc đẩy hiệu quả thi hành Luật Đất đai 2024;

Cùng với đó, đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thời lượng đăng tải, viết bài chuyên sâu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân, đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao mà Nghị quyết số 18 của Đảng đã nêu ra.

Hoàng Bích - Hồng Nhung - Hữu Thắng