CEO Mega Eco: Khởi nghiệp bằng suy nghĩ có thể làm gì từ chiếc mo cau

01/09/2024 12:13

Từ sản phẩm tưởng chừng như bỏ đi, mo cau Việt Nam dưới hình hài những chiếc bát, đĩa, đồ thủ công mỹ nghệ không chỉ hoàn thành sứ mệnh giảm phát thải, bảo vệ môi trường mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Hiện nay, đã có rất nhiều mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, mang lại giá trị, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trong số đó, ông Nguyễn Văn Tuyến - CEO Mega Eco, người được mệnh danh là "người đưa mo cau xuất ngoại" đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về hành trình này.

"Họ làm được thì mình cũng làm được"

NĐT: Sản xuất bát, đĩa, đồ mỹ nghệ từ mo cau là ngành khá độc, lạ. Cơ duyên nào đưa sự nghiệp của ông gắn liền với sản phẩm trên?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Từ 2010, tôi đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ các phế phẩm nông nghiệp. Công việc của tôi gắn liền với ngành nông nghiệp và các vật phẩm tưởng chừng như bỏ đi, trong đó có mo cau.

Ban đầu, mọi suy nghĩ của tôi chỉ đơn giản là "Liệu mình có thể làm được gì từ những thứ này?". Từ suy nghĩ, tôi bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu. Rồi tôi nhận ra rằng, việc tái chế mo cau không phải mới, trên thế giới đã có người làm.

CEO Mega Eco: Khởi nghiệp bằng suy nghĩ có thể làm gì từ chiếc mo cau- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tuyến - Tổng Giám đốc Mega Eco.

Họ làm được thì mình cũng làm được. Từ đó, tôi bắt đầu mày mò, tìm đường để tái chế mo cau ở nước ta, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi. Lý do ở Quảng Ngãi là vì đây là "thủ phủ" cau với cả nghìn ha, nguồn nguyên liệu mo cau luôn có sẵn.

Trước đây cây cau chỉ có giá trị ở phần trái, giờ đến mo cau. Riêng những ý tưởng tăng giá trị cho tất cả phần khác của cây cau, chúng tôi sẽ hiện thực hóa, để bà con trồng cau, tận thu từ gốc đến ngọn.

NĐT: Khi đưa ra thị trường, sản phẩm từ mo cau được người tiêu dùng đón nhận như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Mo cau từng là sản phẩm rất quen thuộc ở các vùng nông thôn, nhưng bẵng đi một thời gian, dưới sự phát triển của xã hội, sản phẩm này dần bị quên lãng. Và thời gian gần đây mới trở lại dưới "hình hài" của những sản phẩm như bát, đĩa từ mo cau.

Ban đầu khi có ý tưởng, sản phẩm của chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, vì nó mới lạ và cũng vì đây là thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, sau khi đưa ra thị trường, lại bắt đầu xuất hiện điểm khó, đó là giá thành bát, đĩa từ mo cau cao hơn so với sản phẩm khác, thuộc phân khúc khác. Thành ra mọi người vẫn còn đang so sánh với các sản phẩm nhựa.

CEO Mega Eco: Khởi nghiệp bằng suy nghĩ có thể làm gì từ chiếc mo cau- Ảnh 2.

Sản xuất mo cau không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

NĐT: Ông Tuyến này, tại sao một sản phẩm là phế phẩm, gần như là bỏ đi lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm khác?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Dù là phế phẩm, nhưng để làm ra được thành phẩm từ mo cau, có nhiều công đoạn đặc biệt hơn các sản phẩm khác.

Mo cau được thu gom từ người dân, sau đó được chúng tôi mua lại rồi vận chuyển vào nhà máy. Sản xuất mo cau khác so với sản xuất các vật phẩm từ xốp hay nhựa đó là không thể hoàn toàn sử dụng máy móc trong công nghiệp mà là bán thủ công. Vì vậy cần nhiều nhân công, đẩy chi phí sản xuất lên cao; năng suất sản xuất cũng thấp hơn so với sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác.

Đưa mo cau ra biển lớn

NĐT: Từ chiếc mo cau thân thuộc với nông thôn,"lột xác" thành sản phẩm xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Đâu là cách để Mega Eco đưa một phụ phẩm "từng bị quên lãng" đi ra biển lớn?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Một sản phẩm muốn xuất khẩu, phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định và phải có giá thành cạnh tranh với các sản phẩm trên thế giới. Tiếp theo đó là cách tiếp cận nguồn khách hàng.

Tôi cho rằng, làm sản phẩm là một chuyện nhưng cần phải mở rộng tệp khách hàng, có thể tận dụng thông qua các phương thức như truyền thông, tham gia hội chợ hay tận dụng các trang thương mại điện tử…

Mega Eco tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua cộng đồng Việt kiều, bởi tâm lý của những người xa xứ rất muốn ủng hộ sản phẩm quê hương. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quốc gia phát triển đều chú trọng vào việc hạn chế, giảm phát thải nhựa, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, Mega Eco đều có thể đáp ứng được.

Đến thời điểm hiện tại, trở ngại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là cước tàu biển tăng cao, đến nay đã gấp gần 10 lần. Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu ở thời điểm hiện tại.

Dù vấn đề này đã nằm trong dự liệu nhưng tôi không nghĩ cước tàu biển có thể tăng cao như vậy. Từ đầu năm nay, chúng tôi cũng đã có kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa, bán sản phẩm trên các sản thương mại điện tử, cũng như ở một số nhà hàng, khách sạn.

Đồng thời, tìm kiếm các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi, dần xanh hóa, thân thiện với môi trường. Sản phẩm từ mo cau của Mega Eco đã được hãng hàng không Vietjet đưa vào phục vụ cho hành khách hạng thương gia. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng đến các thị trường gần hơn như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... để giảm đi mức ảnh hưởng của cước tàu như tại thị trường EU hay Bắc Mỹ.

CEO Mega Eco: Khởi nghiệp bằng suy nghĩ có thể làm gì từ chiếc mo cau- Ảnh 3.

Các sản phẩm từ mo cau của Mega Eco.

NĐT: Là một người khởi nghiệp với cái nhìn đổi mới, thể hiện được tinh thần sáng tạo, bảo vệ môi trường. Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Theo tôi, điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp, đó là tìm đầu ra cho sản phẩm, chứ không phải chỉ quan tâm đến đầu vào. Kể cả sản phẩm có độc đáo, hữu dụng đến đâu mà không tìm được đầu ra thì cũng thất bại. Đây cũng là một những khó khăn nhất trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp.

Tôi cho rằng, các bạn khởi nghiệp nên dành nhiều suy nghĩ vào việc tìm đầu ra cho sản phẩm, không nên dành quá nhiều tâm tư cho đầu vào.

Sản phẩm ban đầu có thể chưa hoàn hảo ngay nhưng hoàn toàn có thể cải thiện được. Nhưng cốt lõi vẫn phải xác định được đầu ra sản phẩm ở đâu, khách hàng mình muốn hướng đến là ai, làm sao để tiếp cận và để bán được hàng.

Ban đầu khởi nghiệp, tôi cũng không có tiền, điều duy nhất tôi có thể làm là dấn thân. Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng không thể chỉ dừng ở suy nghĩ: làm được sẽ bán được, như vậy sẽ dễ bị thất vọng và nản lòng.

NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!