Văn hóa làm việc quá sức của Trung Quốc tiếp tục bị thắt chặt giám sát sau vụ việc người đàn ông 30 tuổi tử vong vì suy đa tạng sau 104 ngày làm việc cật lực nhưng chỉ nghỉ duy nhất 1 ngày. Tòa án tỉnh Chiết Giang hiện đã đưa ra phán quyết rằng công ty nơi người đàn ông tên A'bao kể trên làm việc sẽ phải chịu 20% trách nhiệm về cái chết thương tâm, theo tờ Guangzhou Daily.
Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc - nơi vốn nổi tiếng với văn hoá 969 khắc nghiệt. Vào tháng 2 năm ngoái, A'bao đã ký hợp đồng làm thợ sơn cho một công ty giấu tên với hợp đồng kéo dài đến tháng 1 năm nay. Anh sau đó được phân công vào một dự án ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.
A’bao đã phải làm việc hàng ngày trong 104 ngày, từ tháng 2 đến tháng 5 năm ngoái và chỉ có 1 ngày nghỉ duy nhất vào ngày 6/ 4. Vào ngày 25/5, anh xin nghỉ ốm vì lý do sức khoẻ.
Vào ngày 28 tháng 5, tình trạng của A’bao xấu đi nhanh chóng. Anh ấy được các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện, bị chuẩn đoán nhiễm trùng phổi, suy hô hấp, sau đó qua đời vào ngày 1/6.
Trong quá trình điều tra ban đầu, các viên chức an sinh xã hội cho biết, vì đã hơn 48 giờ trôi qua kể từ khi A’bao giã bệnh đến khi qua đời, vậy nên không thể coi đây là tai nạn liên quan đến công việc. Hiện gia đình A'bao đã đệ đơn kiện đòi bồi thường, đồng thời cáo buộc sự bất cẩn của chủ lao động.
Đáp lại, công ty lập luận rằng khối lượng công việc của A'bao có thể tự điều chỉnh. Lao động có thể tự nguyện xin làm thêm nếu cần. Nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm là do các vấn đề sức khỏe có từ trước và không được can thiệp y tế kịp thời.
Dẫu vậy, tòa án vẫn coi việc làm việc liên tục trong 104 ngày của A'bao là vi phạm rõ ràng Luật Lao động Trung Quốc, trong đó quy định tối đa 8 giờ làm việc/ngày và trung bình 44 giờ/tuần. Công ty nói trên theo đó sẽ phải chịu trách nhiệm 20% .
Hiện gia đình A'bao đã được nhận tổng số tiền bồi thường là 400.000 nhân dân tệ (56.000 USD), trong đó 10.000 nhân dân tệ để bù đắp về mặt tinh thần.
Vụ việc đang dấy lên nhiều sự phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng:
“Sơn là một công việc vốn có hại cho sức khoẻ. Ở tuổi 30, anh ấy đã mất mạng và gia đình anh ấy tan nát. Tòa án chỉ xử 400.000 nhân dân tệ. Điều thậm chí còn vô lý hơn là công ty giấu tên còn kháng cáo và không hề thể hiện sự thông cảm, lòng nhân đạo cơ bản”.
Một người khác cũng đồng tình: “Thật đau lòng khi chứng kiến điều này. Làm việc như thế thực sự là đánh đổi mạng sống để lấy tiền. Cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật của các công ty là quá thấp. Có vẻ như luật lao động chỉ tồn tại để hạn chế người lao động”.
Cái chết của A’bao không phải là một sự cố hy hữu duy nhất. Rất nhiều câu chuyện thương tâm liên quan đến điều kiện làm việc khắc nghiệt ở Trung Quốc đã được ghi nhận.
Trước đó, công ty thương mại điện tử Pinduoduo từng gây chấn động dư luận sau cái chết của 2 nhân viên, được cho là vì làm việc quá sức. Trong đó, 1 nhân viên đổ gục và chết ngay tại văn phòng vào lúc 1h30 phút sáng. Hai tuần sau, một nhân viên khác chết vì tự tử. Nguyên nhân được cho là vì bị công ty bắt ép làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày.
Nỗi sợ văn hoá ‘làm việc đến chết’ tại Trung Quốc đang khiến nhiều người trẻ nản lòng. Họ sẵn sàng từ bỏ mức lương này để sống một cuộc sống an nhàn và cân bằng hơn.
Yvonne Yang là một trong số những người trẻ ưu tiên hạnh phúc hơn tiền bạc. Cô 22 tuổi, là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu Hong Kong (Trung Quốc.
“Tôi từng suy nghĩ về việc trở thành một nhà điêu khắc. Đúng như dự đoán, cha mẹ, người đã trả học phí cho tôi, phản đối kịch liệt. Tôi cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh bất tận đó. Tôi muốn sống cuộc sống cho riêng mình”, cô chia sẻ
Trước đó, Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng kiêm thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), cũng đề xuất một hệ thống làm việc toàn diện và khả thi để đảm bảo người lao động một ngày chỉ cần làm việc 8 tiếng. Điều này vốn đã có trong luật lao động nhưng bị một số công ty “ngó lơ”.
“Con người không phải máy móc. Làm việc chăm chỉ và ngủ ngon hơn sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, bà nói.
Theo: SCMP, The Sixth Tone
Hoặc