Hôm nay, vợ chồng nhà chú Đồng - hàng xóm đối diện nhà tôi quyết định đưa bà mẹ vào viện dưỡng lão sống. Tôi gọi mẹ chú Đồng là bà cụ Tâm. Lúc lên xe, bà cụ Tâm khóc lên khóc xuống, ai không biết sự thật đều quay sang nói hai đứa con thật bất hiếu, khổ thân bà cụ Tâm già rồi mà còn không được con cháu cung phụng. Thấy họ càng lúc càng nói quá lời, tôi không nhịn được nên kể hết chuyện trong nhà bà cụ Tâm cho họ nghe, quả nhiên nghe xong ai cũng im bặt, không dám nói thêm câu gì.
Vợ chồng tôi có quan hệ hàng xóm láng giềng khá thân thiết với vợ chồng chú Đồng. Hai vợ chồng chú tính cách rất tốt, hòa đồng thân thiện, cũng rất nhiệt tình. Con cái nhà tôi đều đi làm ăn xa, không đứa nào ở nhà, nên những lúc bình thường điện thoại hay tivi hỏng hóc gì đó, chú Đồng đều chạy sang giúp chúng tôi sửa lại. Có một lần chồng tôi bị cao huyết áp, ngất xỉu ở nhà, cũng may nhờ vợ chồng chú ấy phát hiện kịp thời, đưa chồng tôi đến bệnh viện kịp lúc, còn ở lại giúp tôi xử lý giấy tờ nhập viện xong mới yên tâm quay về nhà. Đối với hàng xóm không máu mủ thân thích gì còn tốt như vậy, làm gì có chuyện bạc đãi mẹ già nhà mình cơ chứ? Lý do mà bà cụ Tâm bị con trai con dâu nhất quyết đưa đến viện dưỡng lão là bởi bà cụ tiết kiệm quá mức, tự ngược đãi chính bản thân mình.
Từ khi vợ chồng chú Đồng đón bà cụ Tâm ở quê lên ở cùng, cụ đem nước dùng để rửa bát, nước rửa rau, nước giặt quần áo còn thừa đổ hết vào một cái thùng lớn, rồi dùng nước trong thùng đấy xả vào bồn cầu vệ sinh, cụ bảo làm thế cho tiết kiệm tiền nước. Hai vợ chồng chú Đồng nói mãi không biết bao nhiêu lần mà cụ Tâm nhất quyết không nghe, cuối cùng đành mặc theo ý cụ.
Thế nhưng thùng nước ấy để lâu thì bắt đầu bốc mùi rất khó chịu, cả cái nhà vệ sinh lúc nào cũng thum thủm khó ngửi. Vợ chồng chú Đồng chán nản vô cùng, mấy lần tâm sự với vợ chồng tôi đều nhắc đến chuyện đó, còn hỏi chúng tôi: “Liệu có khi nào thế hệ mình mà cũng từng chịu đói chịu khổ như mẹ cháu thì cũng tiết kiệm như bà không nhỉ?”.
Tôi ngẫm nghĩ, cũng thấy có vẻ đúng. Vợ chồng tôi cũng thuộc kiểu có thể ăn thức ăn thừa liền mấy bữa, nhưng nếu đồ ăn ôi thiu rồi thì chúng tôi nhất định sẽ vứt đi chứ không cố. Nhưng cụ Tâm thì không như thế, kể cả có hỏng rồi thì cụ cũng phân chia theo mức độ, hơi có mùi vẫn không sao, chỉ khi nào nấm mốc trắng xoá mọc lên thì mới đem vứt. Nếu đồ ăn mới chỉ có mùi, cụ sẽ đem rửa với nước lạnh nhiều lần rồi trộn vào nấu cùng với đồ mới để ăn tiếp. Chính thế mà đứa cháu nội của cụ ăn phải đồ hỏng bị đau bụng tiêu chảy mãi mới khỏi, thế mà cụ vẫn không rút kinh nghiệm.
Hai vợ chồng chú Đồng càng nói càng tức, trông họ như vậy, tôi cũng không dám nói thêm gì, sợ làm họ bực thêm.
Tôi thường rủ cụ Tâm đi chợ mua đồ ăn, hoa quả. Lần nào tôi cũng mua đồ tươi mới, còn cụ Tâm hầu như mua đồ không mất bao nhiêu tiền, vì thức ăn hoa quả cụ chọn toàn là đồ sắp hỏng hoặc kiểu dưa vẹo táo nứt, đồ thải loại của mấy sạp hàng, họ vứt ở một góc. Cụ ra mua thì họ bán tất cho với giá vài ngàn đồng. Cụ Tâm bảo tôi rằng: “Rau này đem về rửa mấy lần nước, nấu xong là chả khác gì rau tươi cả”.
Hoa quả cũng vậy, tuy có vết đen vết nứt nhưng lại rẻ, đem về khoét những chỗ đó đi là lại ăn ngon lành. Cụ Tâm khoe chuyện đó như thể chiến tích rất đáng tự hào, nhưng tôi lại không đồng ý, tôi góp ý với cụ: “Nhà cụ có thiếu tiền đâu, mua rau củ thế này ăn vào người hại lắm ạ”.
Thế nhưng cụ Tâm lại quay sang nói tôi: “Sẹo lành rồi là quên cơn đau à, ngày xưa nhà nghèo còn chẳng có hoa quả ăn, nhặt được quả ổi xanh ven đường cũng trở thành món ngon ăn lấy ăn để rồi!”.
Nói mãi chẳng lọt tai, đi chợ cùng nhau mấy lần đều xảy ra tranh cãi, sau dần tôi chẳng rủ nữa. Nhiều khi tôi nghĩ, cụ Tâm là người cố chấp, lại tiết kiệm quá mức trong khi vợ chồng chú Đồng thì làm ăn khấm khá, có tiền, ở với nhau lâu như thế chắc chẳng thể chịu nổi.
Quả nhiên, không ngoài dự đoán của tôi, cụ Tâm đến đây chưa đầy nửa năm thì xảy ra chuyện.
Ấy là cụ cố ăn miếng bánh kem còn thừa trong ngày sinh nhật cháu nội, vốn dĩ con dâu cụ đã định vứt đi rồi, nhưng cụ tiếc, cụ cất kỹ đến 7 ngày sau mới sực nhớ nên mang ra ăn, kết quả phải vào bệnh viện truyền nước mất 3 hôm.
Chú Đồng tức đến nỗi to tiếng luôn với mẹ: “Nếu mẹ còn không nghe con thì con đưa mẹ vào viện dưỡng lão luôn đấy, con không đùa đâu! Ít ra trong viện dưỡng lão còn có hộ lý chuyên nghiệp chăm sóc, không có chuyện bị ngộ độc thực phẩm. Mẹ ở nhà một mình, cứ làm bừa, ăn bừa thế này thì xảy ra chuyện nguy hiểm hơn đấy!”.
Cứ tưởng qua sự việc lần này, cụ Tâm sẽ thay đổi suy nghĩ, ai ngờ còn có chuyện lớn hơn thế xảy ra nữa.
Mấy hôm trước, vợ chú Đồng phát hiện mẹ chồng đang rót dầu ăn thừa từ chảo rán thừa vào bát, rồi cất bát đó ở một góc. Trong bát đó, dầu ăn đã chuyển sang màu đen, nhưng bà cụ vẫn tiếc của, cất kỹ. Vợ chú Đồng cảnh giác hỏi: “Mẹ định lấy dầu này làm gì?”.
Cụ Tâm tỉnh bơ trả lời: “Đây toàn là dầu ăn đắt tiền, cứ thế đổ đi thì tiếc lắm. Mẹ định lấy dầu này đem xào rau ăn!”.
Vợ chú Đồng nghe mẹ chồng nói xong thì ngay lập tức làm hai việc.
Đầu tiên là lên mạng tìm bài báo nói về tác hại của việc ăn dầu ăn thừa bị cháy.
Sau đó, đưa ra tối hậu thư cho chú Đồng: “Bắt buộc phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão, nếu không sau này cả nhà không ai sống nổi!”.
Chú Đồng đồng ý ngay tức khắc. Chú còn nói: “Đưa mẹ vào viện dưỡng lão là cách tốt nhất cho tất cả mọi người. Vợ chồng con đã sắp xếp thời gian rồi, mỗi tuần chúng con thay nhau đến thăm mẹ, mẹ cứ yên tâm ở đó!”.
Chú Đồng tâm sự với tôi, vợ chồng chú ấy thà mang tiếng bất hiếu chứ không thể để bà cụ ở nhà được. Vợ chồng chú không thể theo dõi bà cụ từng giây từng phút, vả lại cụ Tâm cũng đã quen với lối sống đó rồi, không thể thay đổi được, cho nên chỉ đành đưa ra hạ sách này để đảm bảo cả nhà an toàn.
Tiết kiệm là đức tính tốt, thế nhưng kiểu như cụ Tâm trở thành hà tiện, bủn xỉn quá đáng mất rồi! Không biết khi nào cụ mới ngộ ra đây?
Hoặc