Chưa bao giờ ASEAN phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay

23/04/2024 12:14

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược sâu sắc.

Sáng 23/4, Diễn đàn tương lai ASEAN 2024 với chủ đề: "Xây dựng cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm đã được tổ chức".

Hài hòa đổi mới và bảo tồn giá trị cốt lõi ASEAN

Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã quay trở lại, khiến những diễn biến về địa chính trị trở nên phức tạp hơn bao giờ hết và có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định không chỉ tại khu vực của chúng ta mà còn ở phạm vị rộng hơn thế. 

Theo Bộ trưởng, chính bối cảnh toàn cầu và khu vực này đã thôi thúc Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố về việc Việt Nam sẽ đăng cai Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta vào tháng 9 năm 2023.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Diễn đàn đối thoại 1.5 này hướng đến giải quyết những thách thức chung của khu vực, chẳng hạn như làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trước những thay đổi trong môi trường chiến lược, cách cân bằng những lợi ích đa dạng của các quốc gia thành viên, làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa giữa đổi mới và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ASEAN. 

Và ASEAN và các đối tác có thể làm gì để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững cũng như xây dựng một cộng đồng ASEAN luôn đặt người dân làm trung tâm.

Tiêu điểm - Chưa bao giờ ASEAN phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: “Sau gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay, và chưa bao giờ phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay”.

ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết trong khu vực nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược sâu sắc.

Vai trò trung tâm của ASEAN đang được thừa nhận rộng rãi nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả. ASEAN là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới nhưng chênh lệch trình độ phát triển còn đáng kể, mức độ hợp tác, liên kết nội khối chưa thực sự chặt chẽ.

“Thực tế đó đòi hỏi ASEAN càng cần tầm nhìn, chiến lược toàn diện, nâng cao sự chủ động, khả năng thích ứng để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức, phát triển ổn định, bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Với gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng. Luôn nỗ lực hết mình vì cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. 

“Đoàn kết, tin tưởng, chung sức, đồng lòng"

Song song với các yếu tố nền tảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam cũng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới; là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế vì mục đích hòa bình, hợp tác phát triển.

Thứ hai, thực hiện đường lối quốc phòng 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 

Nhiệm vụ thứ ba là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất. Bảo vệ, bảo đảm tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vùng cấm.

Song song với đó là xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn là dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn vì là quốc gia đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế với các cú sốc bên ngoài. Đây cũng là thách thức chung mà nhiều quốc gia ASEAN phải đối mặt trên hành trình phát triển. 

Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Điều này đòi hỏi phải có sự đoàn kết, tin tưởng, chung sức, đồng lòng của tất cả các nước thành viên; sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế. Chúng ta cùng kiên trì theo đuổi cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn cầu để ASEAN vững vàng trong mọi hoàn cảnh, phát triển nhanh, bền vững”.

Tiêu điểm - Chưa bao giờ ASEAN phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay (Hình 2).

Chủ tịch ASEAN 2024, Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone (Ảnh: Tuấn Anh).

Dưới vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone điểm lại quá trình ASEAN thích ứng với những thay đổi trong môi trường và xu thế của khu vực và quốc tế qua từng thời kỳ, từng bước đạt được những thành tựu.

Trong bối cảnh khu vực ASEAN tiếp tục gặp vô số thách thức phát sinh từ bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế và tài chính ngày càng phức tạp, là Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đã xác định chủ đề của năm là “ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường” nhằm xây dựng một ASEAN gắn kết và kiên cường.

Đồng thời, ứng phó kịp thời với những thách thức đang nổi lên và kịp thời nắm bắt các cơ hội để củng cố Cộng đồng ASEAN hướng tới sự phát triển nhanh chóng và bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết: “Đối mặt với bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, trong đó bao gồm thông qua thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và nâng cao năng cạnh lực tranh kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN”.

Từ đó, ông Sonexay Siphandone cũng đề cao sự tăng cường hợp tác của ASEAN để nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực, bao gồm xây dựng năng lực thể chế nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức và nắm bắt các cơ hội do các xu hướng lớn mang lại trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ, chung tay giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường.

Ngoài ra, ASEAN cần tăng cường hơn nữa hợp tác với các đối tác bên ngoài để hợp tác thực chất và có ý nghĩa, đồng thời nâng cao vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, qua đó góp phần vào nỗ lực tập thể hướng đến củng cố Cộng đồng ASEAN.

Bạn đang đọc bài viết "Chưa bao giờ ASEAN phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.