Một chỉ vàng Tiktok có giá 275.080 đồng
Những ngày gần đây, thị trường vàng trở nên "nóng sốt" trở lại khi giá vàng nhẫn đang không ngừng leo thang, dao động ở mức 8,2 triệu đồng/chỉ. Tuy nhiên, trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, vẫn có những chỉ vàng nhẫn giá được bán với giá chưa đến 300.000 đồng/chỉ.
Cụ thể, tài khoản Tiktok có tên Công ty TNHH Vàng Việt Nam thời gian gần đây đã livestream bán một chỉ vàng với giá giảm từ 299.000 đồng xuống 275.080 đồng.
Phiên livestream có từ 1.000 đến 2.000 lượt xem và danh mục đã bán cho thấy có hơn 60 khách hàng đã mua sản phẩm.
Bên cạnh đó, trừ sản phẩm nhẫn trơn nửa chỉ, các sản phẩm khác mà Tiktok này bán, vẫn có giá trị rất lớn, có sản phẩm lên tới hơn 9 triệu đồng nhưng không ghi nhận lượt mua.
Tìm hiểu về đơn vị có tên trên, theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có mã số đăng ký 0108995706, thành lập năm 2019 với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán kim loại và quặng kim loại. Cụ thể hơn là kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Vốn điều lệ đăng ký của công ty là 50 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông phạm Huy Phúc, sinh năm 1980. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại 65 Ngô Thì Nhậm, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, doanh nghiệp này hiện không hoạt động tại địa điểm đăng ký trên.
Đăng ký kinh doanh tại địa chỉ 65 Ngô Thì Nhậm nhưng Công ty TNHH Vàng Việt Nam không hoạt động tại đây.
Hình phạt nào dành cho người không tuân thủ quy định?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Vi Tuấn, chuyên gia trang giavang.net nhận định, sản phẩm có giá quá chênh lệch so với thị trường như vậy thì rõ ràng chất lượng không đảm bảo.
Ông cho rằng người dân mua vàng nên đến các cửa hàng, doanh nghiệp vàng uy tín như PNJ, DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải hay Phú Quý.
"Giá trị thương hiệu sẽ quyết định chất lượng sản phẩm vàng bán ra vì dựa trên uy tín, thương hiệu, cơ sở vật chất, chuỗi cửa hàng... và đem lại niềm tin cho người mua", ông Tuấn chia sẻ.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Tinh Thông luật, đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh), việc kinh doanh mua, bán vàng, trang sức trực tuyến (online) không thuộc các hành vi vi phạm nên được pháp luật thừa nhận.
Tuy nhiên, để tránh mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong việc mua bán vàng.
Trong mua bán vàng, người dân nên đến các cơ sở kinh doanh lớn có đầy đủ máy móc, công nghệ hiện đại. Khi mua bán phải có Giấy đảm bảo vàng niêm yết đầy đủ thông tin về số lượng, giá giao dịch tại thời điểm giúp khách hàng đảm bảo được quyền lợi của mình.
Khi phát hiện mình mua phải vàng giả thì cần trình báo tới cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp có hành vi kinh doanh vàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xử thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Theo điểm c Khoản 2, điểm b Khoản 3, điểm a Khoản 6 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động;
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin hoặc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện kinh doanh hoặc không đáp ứng các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó trên môi trường internet.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet.
Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động.
Đồng thời, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.
Đối với hành vi mạo danh doanh nghiệp khác, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Theo điểm c Khoản 4, điểm a Khoản 8 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính lại thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Theo ông Bình, để thắt chặt trong quản lý thị trường vàng ở nước ta, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới;
Tăng cường quản lý các hoạt động xuất, nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp; kịp thời phát hiện vi phạm để tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với với lực lượng Công an, Cục Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và các cơ quan chức năng khác, tổ chức đấu tranh, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Đồng thời yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhất là trên môi trường internet.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý thuế, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vàng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng...
PV
Hoặc