VinFast đã giao gần 22.000 ôtô điện trong quý III. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo báo cáo tài chính quý III vừa công bố, VinFast Auto Ltd. (Nasdaq: VFS) đã giao 21.912 xe trong quý vừa qua, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, doanh thu công ty đạt 12.326 tỷ đồng, tăng 49%.
Riêng tháng 9, VinFast bàn giao số lượng xe lớn tại thị trường Việt Nam, qua đó đưa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành thương hiệu bán chạy nhất trong tháng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất xe điện này vẫn lỗ gộp 2.957 tỷ đồng trong quý III. Điểm tích cực là khoản lỗ gộp đã giảm 46% so với quý trước đó. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ mức âm 63% trong quý trước và âm 27% trong quý III/2023 về âm 24% trong quý vừa qua.
Sau khi trừ chi phí và thuế, VinFast lỗ ròng 13.251 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT VinFast nhìn nhận kết quả quý III được thúc đẩy nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong tháng 9. "Chúng tôi kỳ vọng kết thúc năm 2024 với kết quả tươi sáng, đạt mục tiêu giao 80.000 xe đã đặt ra trước đó”, bà Thủy nói.
Theo thông tin từ VinFast, bước sang tháng 10, công ty tiếp tục bàn giao hơn 11.000 ôtô điện cho khách hàng Việt Nam, tăng 21% so với tháng 9 và nâng tổng số ôtô điện bàn giao kể từ đầu năm tại Việt Nam lên 51.000 xe. VinFast tiếp tục đứng đầu thị phần trong tháng 10 và trở thành hãng xe bán chạy nhất trong 10 tháng đầu năm.
Thời gian gần đây, VinFast tiếp tục nhận được cam kết hỗ trợ tài chính từ nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup. Theo đó, từ nay đến hết năm 2026, Vingroup có kế hoạch cho các công ty trong nhóm VinFast tại Việt Nam vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, trong khi ông Phạm Nhật Vượng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng từ tài sản cá nhân.
Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.
Kế hoạch hỗ trợ nhằm giúp VinFast có đủ nguồn lực và thêm dự phòng để tài trợ hoạt động kinh doanh, các khoản đầu tư. Mục tiêu đến hết năm 2026, công ty đạt điểm hòa vốn và tự cân đối được dòng tiền.
Hiện tại VinFast vẫn bám sát kế hoạch mở rộng toàn cầu. Tính đến ngày 31/10, mạng lưới bán lẻ trên toàn cầu của công ty đã đạt quy mô 173 showroom ôtô, 160 showroom và xưởng dịch vụ xe máy điện, bao gồm cả showroom của VinFast và đại lý.
Công ty ghi nhận doanh số kỷ lục tại thị trường Bắc Mỹ trong tháng 9 vừa qua. Dự kiến công ty sẽ bàn giao mẫu xe VF 9 ở Mỹ và Canada trong tháng 11.
Tại Indonesia, VinFast đã bàn giao mẫu xe VF e34 và VF 5 tay lái nghịch và chuẩn bị đưa nhà máy tại Subang vào hoạt động trong năm 2025. Tính đến ngày 31/10, VinFast đã hoàn tất mở cửa 17 cửa hàng đại lý tại 15 thành phố nước này.
Ở thị trường Philippines, hãng xe điện Việt Nam đã mở bán mẫu xe VF 3, VF 5 và VF 7. Tính đến hết tháng 10, VinFast có 8 cửa hàng đại lý tại 6 thành phố ở nước này.
Nhà máy của VinFast tại Ấn Độ với công suất 50.000 xe điện/năm cũng đang trong quá trình chuẩn bị lắp đặt thiết bị và máy móc. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.
VinFast cũng chính thức ra mắt thương hiệu tại Trung Đông vào tháng 10, mở đại lý đầu tiên tại UAE, tọa lạc tại trung tâm thành phố Dubai.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc