Chính phủ đang nghiêng về phương án tăng thuế mặt hàng bia và rượu 20 độ trở lên từ mức hiện hành 65% lên 80% từ năm 2026. Ảnh: Phạm Thắng. |
Sau khi lắng nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo luật này.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu, cũng như cơ sở đối với việc bổ sung sản phẩm nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Cần làm rõ tác động của thuế tới hành vi tiêu dùng
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), mục tiêu cốt lõi của thuế TTĐB là thay đổi hành vi, để người dân không tiêu dùng những sản phẩm có tính độc hại cho sức khoẻ cá nhân hoặc ảnh hưởng đến môi trường.
Ông nhấn mạnh mục tiêu chính của sắc thuế không phải là tăng thu ngân sách. Do đó, khi áp dụng phương án tăng thuế, đại biểu đề nghị đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời 2 mục tiêu là có chuyển đổi hành vi tiêu dùng hay không, và tác động đến thu ngân sách như thế nào.
"Nếu chúng ta đưa ra một giải pháp mà mục tiêu chuyển đổi hành vi không đạt được như kỳ vọng và thu ngân sách cũng không bền vững thì phải xem xét lại", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng tác dụng của sắc thuế tới hành vi người tiêu dùng chưa rõ ràng. Ảnh: Quochoi. |
Chia sẻ thêm, ông cho biết báo cáo đánh giá tác động mà cơ quan soạn thảo đưa ra cũng chưa đề cập đến phần trăm người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi nếu tăng thuế theo 2 phương án đề xuất. Trong khi đó, các biện pháp xử phạt tại Nghị định 100 đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi rất rõ ràng.
Song song, đại biểu này lưu ý từ khi thực hiện Nghị định 100, sản lượng tiêu dùng rượu, bia giảm rõ ràng và ảnh hưởng rất lớn đến các ngành dịch vụ ăn uống, du lịch.
Trong bối cảnh Chính phủ đang phải kích cầu tiêu dùng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ông cho biết tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu nhờ xuất khẩu, còn tiêu dùng trong nước vẫn đang rất chậm.
"Nếu chúng ta tăng giá bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống thì ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế và tôi thấy rằng có lẽ cũng rất cần phải xem lại", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết hầu như tỉnh thành nào cũng có nhà máy bia, qua đó giải quyết rất nhiều việc làm.
Dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Thắng cho biết có hơn 20 ngành là đầu vào để sản xuất ra 1 chai bia. Vì vậy, ông nhìn nhận rằng nên cân đối giữa mục đích giảm tiêu thụ bia với việc làm, an sinh xã hội và thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh các yếu tố ngoại cảnh như Covid-19 hay bão Yagi vừa qua, đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng chưa có sự chuẩn bị cho việc tái cấu trúc ngành bia, rượu và những ngành cung cấp sản phẩm đầu vào.
"Nếu quyết tăng thuế vào năm 2026 sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về việc làm, thu ngân sách và các nhà đầu tư sẽ cảm thấy rất chơi vơi", đại biểu Hoàng Đức Thắng chia sẻ.
Đề xuất lùi thời gian áp thuế sang năm 2027
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) tán thành nội dung áp thuế với bia, rượu để tiến tới các biện pháp hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với ý kiến không nên thực hiện ngay mức thuế này mà cần có lộ trình, sớm nhất là từ năm 2027.
Bà lý giải các nhà máy sản xuất vẫn chưa hết khó khăn sau đại dịch Covid-19, tiêu thụ giảm, nhất là quy định "không cồn" như vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề.
Nếu áp dụng thuế này ngay, bà đánh giá có thể dẫn đến nhiều khó khăn hơn nữa cho doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác bởi sau ngành này còn nhiều lĩnh vực có liên quan.
Còn theo đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), phương án tăng thuế cần có lộ trình thực hiện phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng thích nghi trong thời gian tới.
Nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh, các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp, qua đó gây sụt giảm sản lượng đột ngột và khiến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi vốn.
Ngoài ra, việc giảm sản lượng quá nhanh tác động tiêu cực đến công ăn việc làm của người lao động, khiến số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp.
Bà Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giãn việc áp thuế TTĐB đối với ngành rựou, bia để bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng ủng hộ quan điểm lùi áp dụng thuế này đến ít nhất là từ năm 2027, để doanh nghiệp sản xuất kịp thời xây dựng lộ trình phù hợp.
Mặt khác, ông Hiếu bày tỏ ủng hộ phương án 1, nhưng cho rằng chỉ nên đánh thuế từ sau năm 2026.
"Trong 3-4 năm vừa qua và một số năm tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu áp thuế này ngay trước 2026 thì không hợp lý", đại biểu đoàn Thái Bình giải thích.
Tương tự, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị thông qua luật vào năm 2025 nhưng thời gian áp dụng lùi lại 1 năm so với dự thảo, tức từ năm 2027, để người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi.
Ông đề xuất đánh thuế lần đầu cao, sau đó dừng 5 năm. Chẳng hạn năm 2027 bắt đầu đánh thuế cao với rượu, bia, sau đó năm 2032 lại đánh thuế tiếp để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chứ không tăng đều đều hàng năm như các phương án hiện tại.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc