Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, đặc biệt được châu Âu theo dõi sít sao, đã chứng kiến sự trở lại của ông Trump trên cương vị "thuyền trưởng" của nền kinh tế lớn nhất thế giới – vốn từng có trải nghiệm thương chiến với EU trong nhiệm kỳ đầu tiên của vị chính trị gia tỷ phú.
Hôm 13/11, các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) đã tranh luận về tương lai của quan hệ EU-Mỹ dưới thời chính quyền mới của "xứ cờ hoa" do Tổng thống đắc cử Donald Trump dẫn dắt.
Trong cuộc tranh luận, các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) đã xem xét cách thức hợp tác với chính quyền mới để giải quyết các thách thức và tận dụng các cơ hội cho cả đôi bên khi EU tìm cách ổn định mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Với việc ông Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1 năm sau, các MEP đã đánh giá cách thức sự thay đổi chính trị ở Washington ảnh hưởng đến các ưu tiên chung giữa 2 siêu cường kinh tế là EU và Mỹ.
"Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế quan lên tới 10%. Nếu ông ấy thực hiện tuyên bố đó, nó sẽ tác động đến nền kinh tế của chúng ta", Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết.
"Ông ấy đã nói về mức thuế 60% đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc, điều đó sẽ tác động đến thị trường toàn cầu. Hàng hóa Trung Quốc không thể tiếp cận thị trường Mỹ có thể tràn vào thị trường của chúng ta. Còn chính sách di cư thì sao? Có những vấn đề về đạo đức và nhân đạo nảy sinh ở đây", nhà ngoại giao hàng đầu EU chỉ ra.
Mỹ là đồng minh lâu đời nhất của châu Âu và là nhà cung cấp an ninh chính cho "cựu lục địa". Bất chấp trải nghiệm "đau đớn" mà EU đã có với Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, Brussels muốn một cơ hội đàm phán mới với tân Tổng thống Mỹ.
Các nhà lãnh đạo EU từ khắp quang phổ chính trị đều đồng ý rằng đối thoại là tối quan trọng để đảm bảo mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương lâu đời này tồn tại được với tư duy "Nước Mỹ trên hết" không khoan nhượng của ông Trump.
Các nhà phân tích đã cảnh báo về việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng Euro yếu và rủi ro suy thoái kinh tế đối với EU trong bối cảnh chiến thắng bầu cử ở Mỹ đã gọi tên ông Trump.
Tất cả có thể gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu vì mức thuế 10% mà Mỹ dưới thời chính quyền Trump 2.0 có khả năng áp dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu của châu Âu như ô tô và hóa chất, làm xói mòn GDP của "lục địa già" tới 1,5%, tương đương khoảng 260 tỷ Euro.
Minh Đức (Theo Euronews)
Hoặc