Trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc sử dụng mạng xã hội trong giáo dục đã trở nên phổ biến. Các group lớp học trực tuyến được tạo ra như một không gian để giáo viên và học sinh có thể trao đổi, thảo luận và chia sẻ tài liệu học tập.
Đây là nơi mà sinh viên có thể gửi những thắc mắc đến giảng viên và ngược lại, giáo viên có thể đưa ra những thông báo liên quan đến môn học hoặc một số góp ý, định hướng liên quan đến bài vở cho sinh viên. Tuy nhiên, tương tự như group giữa phụ huynh và giáo viên, group giữa giáo viên và sinh viên đôi khi cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn luận.
Như mới đây chẳng hạn, trên MXH Threads, nhiều người dùng đang chia sẻ ý kiến của mình về một topic liên quan: Sẽ thế nào nếu giảng viên nhận xét bài vở, điểm số của sinh viên công khai trong nhóm lớp chung?
Có người cho rằng, việc giáo viên nhận xét bài vở, kết quả học tập của sinh viên trong nhóm lớp là điều bình thường, đặc biệt là trong những lĩnh vực đặc thù như mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng… thường xuyên phải viết, vẽ theo đúng tỷ lệ, đúng quy ước thì những lời nhận xét của giáo viên còn “quý hơn vàng”. Bởi lẽ, mắc lỗi sai khi còn là sinh viên còn có thể chấp nhận, nhưng mắc lỗi khi đi làm thì chắc chắn phải trả giá đắt.
- Giáo viên nhận xét, góp ý cho những lỗi sai của học sinh điều cốt lõi vẫn là giúp các bạn hoàn thiện bản thân hơn thôi, nếu thầy cô không có tâm thì cứ mặc kệ, chả trách mắng hay nhận xét gì cả. Hay các bạn thích như thế?
- Bạn hỏi thầy cô trong group chung thì cũng phải sẵn sàng nhận ý kiến trong group chung chứ. Suy cho cùng, góp ý của thầy cô chỉ nhằm giúp mình tốt hơn thôi. Lên đại học rồi chứ còn bé bỏng gì đâu, một chút góp ý phê bình từ thầy cô mà còn không chịu được thì sau này ra đời, sếp chửi chẳng lẽ bạn nghỉ việc?
- Group lớp thì cũng là lớp, ngày bé đi học thầy cô cũng phê bình trước lớp mà, thì giờ cũng thế thôi.
- Với tư cách là sinh viên mỹ thuật và đã đi làm trong ngành 4-5 năm, đặc thù nghề nghiệp của mình là tạo ra những sản phẩm có thể bị cả xã hội vào đánh giá và bàn tán, thế nên nếu bạn trẻ nào theo học ngành này mà giảng viên nhận xét vài câu đã không chịu được thì chẳng theo nghề được đâu.
Ngược lại, cũng không ít người cho rằng việc nhận xét và phê bình sinh viên là không sai, nhưng nếu nhận xét và phê bình lỗi sai của sinh viên một cách công khai trước mặt sinh viên khác thì quả thực không nên. Ai cũng lòng tự trọng của riêng mình, việc giáo viên công khai phê bình sẽ khiến sinh viên (nếu không đủ mạnh mẽ để vượt qua) sẽ cảm thấy tự ti và hoài nghi vào khả năng của chính mình.
- Bản thân mình không thích chuyện riêng của sinh viên mà giảng viên lại đem đi nói trong group chung. Thật ra có nhiều cách để giảng viên có thể góp ý cho sinh viên, vừa hiệu quả lại không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy trò.
- Tự nhiên lỗi sai của mình bị bêu riếu trước cả lớp mình cũng thấy xấu hổ, kiểu cảm giác ai cũng chê cười mình.
- Biết giáo viên phê bình cũng là muốn tốt cho mình nhưng thú thực, cảm giác bị điểm mặt gọi tên vì mình làm bài kém, bị điểm thấp hay mắc lỗi gì đó nó tệ cực. Giáo viên nào tinh tế, nhắc nhở nhẹ nhàng còn đỡ, phải thầy cô nào dùng từ nặng nề một chút thì cảm giác xấu hổ, chỉ muốn nghỉ học quách cho xong.
- Góc nhìn của mình là có những việc giáo viên nên tinh tế nhắn riêng để góp ý, song cũng có những việc mình phải cứng rắn và răn đe sinh viên trước tập thể. Nó giống như việc một mũi tên trúng nhiều đích, nhắc nhở một em để những em khác không mắc lỗi tương tự.
Giáo viên có nên góp ý lỗi sai của sinh viên công khai?
Group lớp - nơi có mặt của cả giáo viên và học sinh, thật ra cũng chẳng khác gì một lớp học được “online hóa”. Vậy thì trong một lớp học được “online hóa”, giáo viên có được góp ý bài vở của học sinh không? Nếu coi group lớp là một lớp học được “online hóa” thì những lời góp ý của giáo viên trong đó có được coi là thiếu tế nhị không? Và có rủi ro không khi phê bình, góp ý bài vở của học sinh trong nhóm lớp?
Nhìn từ góc độ tích cực, việc giáo viên chia sẻ nhận xét công khai trên group lớp có thể giúp thúc đẩy tinh thần học tập của học sinh, sinh viên, khuyến khích các em cố gắng hơn khi biết rằng mọi nỗ lực và thành quả của mình đều được công nhận. Điều này có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi sinh viên tìm thấy động lực để cải thiện và phát triển bản thân. Trong nhiều trường hợp, lỗi sai của một cá nhân cụ thể được giáo viên chỉ ra, còn là bài học để những cá nhân khác rút kinh nghiệm, tránh đi vào vết xe đổ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc nhận xét công khai như vậy có thể gây ra những tác dụng phụ không đáng có, nếu như người tiếp nhận lời nhận xét và người nhận xét không tìm được tiếng nói chung. Như đã đề cập ở trên, group lớp, dù là không gian ảo, nhưng cũng bao gồm tất cả thành viên như một lớp học truyền thống. Khi một học sinh dù là “được” hay “bị” nhận xét trước mặt bạn bè, điều này có thể khiến học sinh đó cảm thấy xấu hổ và mất tự tin. Đặc biệt, những lời nhận xét này nếu không được thể hiện một cách khéo léo, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tình trạng bị bắt nạt trên mạng (cyberbullying) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh.
Hơn nữa, việc giáo viên đưa ra nhận xét công khai có thể làm gia tăng áp lực đối với những sinh viên có thành tích chưa tốt. Các em có thể cảm thấy bị áp đặt, từ đó dẫn đến tình trạng chán nản, mất động lực học tập. Ngoài ra, môi trường trực tuyến có những đặc thù riêng biệt. Một khi thông tin đã được đăng tải, nó có thể được toàn bộ thành viên trong group, thậm chí là người ngoài, tiếp cận được. Đôi khi, một sự việc được truyền tin và qua tay nhiều người, dù tích cực cũng có thể biến thành tiêu cực.
Tóm lại, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cũng như năng lực học tập của sinh viên. Nhận xét và góp ý là nhiệm vụ không thể thiếu của người thầy trong quá trình giảng dạy, nhằm hướng dẫn và thúc đẩy học sinh, sinh viên tiến bộ. Mục tiêu sau cùng của người thầy sau khi đưa ra những góp ý là giúp sinh viên nhận ra được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, giúp các bạn tiến bộ hơn trong tương lai.
Khi giáo viên đưa ra nhận xét về sinh viên, nếu nhận xét đó mang tính chất xây dựng, khách quan và được thể hiện một cách tôn trọng, thì đó là việc làm tích cực, dù rằng việc nhận xét, phê bình và góp ý là trên môi trường mạng xã hội hay trong lớp học truyền thống. Song, nếu nhận xét của giáo viên là tiêu cực, mang tính chất chỉ trích cá nhân hoặc sử dụng những từ ngữ thiếu tôn trọng, nó không chỉ gây mất động lực cho sinh viên mà còn có thể tạo ra áp lực tâm lý không đáng có. Trong trường hợp này, việc giáo viên nhận xét trên group lớp có thể trở thành hành vi thiếu tế nhị.
Như vậy, việc giáo viên nhận xét sinh viên trên group lớp không hẳn là thiếu tế nhị nếu những nhận xét được đưa ra một cách chính xác và khơi dậy tinh thần học hỏi. Dù là trong môi trường học đường, việc công khai đánh giá hay nhận xét về thành tích hoặc hành vi của sinh viên cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Điều cốt lõi ở đây là cách thức và ngôn từ mà giáo viên sử dụng để đảm bảo rằng những nhận xét đó có lợi cho sự phát triển của sinh viên, mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trong môi trường học đường.
Để tránh những tình huống khó xử, giáo viên nên xây dựng một quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng group lớp trực tuyến, ví dụ như chỉ nhận xét chung chung trên group lớp, không “điểm mặt chỉ tên” và nếu sinh viên mắc lỗi sai, thì chỉ góp ý riêng tư. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư và duy trì sự tôn trọng đối với mọi sinh viên, và đặc biệt là không gây ra những tác động tiêu cực không mong muốn.
Hoặc