GDP Trung Quốc năm 2024 được Goldman Sachs dự đoán tăng lên 4,9%. Ảnh: Nikkei. |
Theo Bloomberg, trong báo cáo mới công bố, Goldman Sachs đã dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng 4,9% trong năm nay, cao hơn kỳ vọng trước đó (4,7%).
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 cũng được nâng lên 4,7% từ mức 4,3% trong báo cáo trước.
"Đợt kích thích mới nhất của Trung Quốc rõ ràng cho thấy giới chức đã thay đổi cách quản lý chính sách và tập trung hơn vào nền kinh tế", Hui Shan, nhà kinh tế học tại Goldman Sachs nhận định.
Động thái của Goldman Sachs được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đang cân nhắc tác động tiềm ẩn từ loạt biện pháp kích thích mà Chính phủ Trung Quốc triển khai từ cuối tháng 9, nhằm đối phó với tình trạng suy giảm niềm tin và áp lực giảm phát kéo dài.
Bộ Tài chính nước này cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính, song các biện pháp kích thích tiêu dùng, điều mà một số nhà phân tích cho rằng cần thiết để ngăn chặn tình trạng giảm phát, vẫn chưa được đề xuất.
Các quan chức tài chính cho biết 2.300 tỷ nhân dân tệ (325 tỷ USD) từ quỹ trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương sẽ được sử dụng trong quý IV, cho thấy kế hoạch chi tiêu công dồn vào cuối năm và mức tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ hơn so với dự đoán trước đó của Goldman.
Tuần trước, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cũng cho biết sẽ phê duyệt các dự án đầu tư trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 28 tỷ USD) cho năm sau vào cuối tháng 10, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% GDP trong 3 tháng cuối năm, theo báo cáo của Goldman.
Ngoài ra, những biện pháp nới lỏng đã được công bố và dự kiến giúp tăng 0,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế vào năm sau, bù đắp cho dự báo suy giảm 1,9 điểm phần trăm do tốc độ xuất khẩu chậm lại và đà suy thoái của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, Goldman cũng cảnh báo rằng những thách thức cơ cấu của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, do đó đơn vị này duy trì các dự báo cho năm 2026 và các năm sau đó.
"Những thách thức '3D' - bao gồm sự suy giảm dân số, xu hướng giảm nợ kéo dài nhiều năm và áp lực từ rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu - rất khó có thể bị đảo ngược bởi đợt nới lỏng chính sách mới nhất", các nhà kinh tế học kết luận.
Hiện, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với áp lực giảm phát và nhu cầu tiêu dùng yếu. Trong quý II, GDP Trung Quốc tăng 4,7%, chậm lại so với đầu năm và thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.
Hoặc