(Câu chuyện này được một tài khoản có tên Tiểu Vương chia sẻ lên mạng xã hội và khiến cư dân mạng phải thảo luận về chủ đề tình cảm hàng xóm)
Đồng tiền bí ẩn
Sau khi kết hôn một thời gian, vợ chồng tôi chuyển đến nơi ở mới. Đó là khu dân cư khá yên tĩnh, môi trường thoải mái, hàng xóm thân thiện. Tuy nhiên sự yên ả này đã bị phá vỡ bởi một chi tiết khó hiểu: Thỉnh thoảng, khi mở cửa nhà tôi luôn thấy 1 đồng xu 1 NDT (khoảng 3,5 nghìn đồng) được đặt trước cửa.
Lúc đầu tôi tưởng là tiền lẻ của ai đó vô tình đánh rơi nên không để ý nhiều. Hơn nữa giá trị của nó không đáng kể, đến nỗi có người nhìn thấy cũng không buồn nhặt lên. Nhưng thời gian trôi qua, đồng tiền xuất hiện với tần suất ngày càng thường xuyên, nếu không muốn nói là mỗi ngày.
Tôi vô cùng tò mò về chuyện này. Liệu đứa trẻ nào đó nghịch ngợm hay ai đang chơi khăm mình? Hay người hàng xóm nào cố tình ra tín hiệu? Tôi quyết định bí mật quan sát, thường chú ý xung quanh để tìm hiểu bí ẩn này. Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không có kết quả, người đó thường để lại đồng tiền vào sáng sớm, khi vợ chồng tôi còn đang ngủ.
Đến một ngày nọ, vì mất ngủ nên tôi dậy sớm và ra ngoài tập thể dục. Đến lúc đi về thì thấy dì hàng xóm tầng trên đang lúi hút bỏ đồng tiền trước nhà mình. Tôi rất thắc mắc nhưng phải đi làm nên buổi tối mới lên nói chuyện.
Lòng tốt khó tin của hàng xóm
Mang trong lòng nghi hoặc, tôi gõ cửa nhà dì hàng xóm. Khi nhìn thấy tôi, gương mặt hiền hậu của dì thoáng ngạc nhiên nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Dì mời tôi vào nhà và pha trà rất thân thiện.
Nhận tách trà từ tay dì, tôi vào thẳng vấn đề: “Dì ơi, thật ra con có một chuyện muốn hỏi. Gần đây sáng nào con cũng thấy một đồng tiền trước cửa nhà và sáng nay tình cờ thấy dì làm việc đó. Con chỉ thắc mắc việc điều đó có ý nghĩa gì không?”.
Nghe tôi hỏi, dì hàng xóm hơi ngượng ngùng. Sau vài giây do dự, dì nói: “Tiểu Vương, thật ra là lỗi của dì, dì không nên lén lút như vậy. Đồng tiền đó không có ý gì xấu xa đâu, chỉ là quê dì có tục lệ đặt một ít tiền trước nhà sẽ mang lại sự giàu có và giữ an toàn cho gia chủ. Dì nghĩ người trẻ các con không để ý đến những chuyện xưa cũ này nên mới âm thầm làm việc đó, mong các con có được may mắn và hạnh phúc”.
Sau khi nghe giải thích, tôi mới vỡ lẽ ra rằng dì thực hiện việc đó vì lòng tốt và sự quan tâm nên mỉm cười: “Dì à, cảm ơn lòng tốt của dì. Chúng con thực sự không biết điều này và cũng rất cảm động. Nhưng sau này dì không cần phải phiền phức như thế nữa, chúng con sẽ tự mình để ý ạ”.
Nghe tôi nói xong, dì cười vui vẻ: “Được rồi! Được rồi! Dì biết các con có cách làm của riêng mình, sau này dì sẽ không quản nữa. Chỉ mong 2 vợ chồng được vui vẻ, hạnh phúc”. Dù việc làm nhỏ nhưng trong lòng tôi thấy rất ấm áp vì cảm nhận được sự quan tâm của hàng xóm.
Sự thật được vén màn sau lần dò hỏi thứ 2
Sau đó, vợ chồng tôi gặp vấn đề. Vì áp lực trụ cột kinh tế khi vừa phải chăm đình vừa mới chuyển nhà, tôi làm việc điên cuồng, không đoái hoài gì đến vợ con. Mỗi lần về nhà đều ở trong trạng thái mệt lả đến mức vợ tôi phải gắt lên: “Anh có còn coi đây là nhà nữa không vậy? Hay chỉ là phòng trọ để anh ngủ qua đêm”. Tôi cũng không nhường nhịn mà cự cãi lại, vợ chồng lục đục thường xuyên.
Trong thời gian đó, dì hàng xóm vẫn đều đặn đặt đồng tiền trước cửa. Lúc này tôi lại trăn trở: “Tại sao dì lại chọn nhà mình để đặt tiền mà không phải người khác? Và tại sao mình đã nói đến thế mà dì ấy vẫn tiếp tục?”. Và dường như đây không phải là phong tục phổ biến vì tôi đã tìm hiểu nhưng không thấy ở vùng quê nào có chuyện này.
Tôi lại tiếp tục gõ cửa nhà dì để hỏi cho ra nhẽ lần nữa: “Có một chuyện con vẫn luôn canh cánh trong lòng, khu dân cư này đông như vậy, tại sao dì lại chọn nhà con để đặt 1 đồng tiền thế?”.
Có vẻ hơi bất ngờ nhưng sau đó dì đã chậm rãi nói: “Tiểu Vương, dì xin lỗi vì lần trước đã không nói cho con sự thật. Việc đặt đồng tiền bắt đầu từ khi dì tình cờ nghe vợ chồng con cãi nhau và nghĩ 2 đứa có vấn đề. Một người bạn của dì kể rằng hàng xóm của cô ấy bị chồng bạo hành vì chuyện tiền bạc, đến mức phải bỏ nhà ra đi. Kể từ đó, cô ấy đặt một đồng tiền trước cửa để nhắc nhở anh chồng kia trân trọng gia đình. Dì thấy con thường xuyên đi làm về muộn, dì sợ các con sẽ rơi vào cảnh đó nên đã…”.
Nghe xong tôi chợt nhận ra đằng sau lòng tốt của dì không chỉ có sự quan tâm mà còn có một hiểu lầm tai hại. Tôi giải thích với dì: “Dì ơi, dì hiểu lầm rồi. Bọn con dù cãi nhau nhưng vẫn rất yêu thương nhau, chưa bao giờ động tay động chân và càng không có ý định sẽ chia tay. Nhưng bọn con hứa sẽ cố gắng hòa thuận hơn”.
Đến đây, dì thở dài nhẹ nhõm: “Ra là vậy. Xem ra dì đã lo lắng hão. Dì thực sự xin lỗi vì đã gây ra phiền toái cho bọn con”. Còn tôi cũng thấy trong lòng ngập tràn sự ấm áp, vui vẻ khi hiểu lầm được giải quyết.
Và phải thừa nhận rằng chính sự lo lắng của dì đã trở thành hồi chuông cảnh báo cuộc hôn nhân của chúng tôi, để cả 2 phải thay đổi và trân trọng gia đình hơn.
(Nguồn: Sohu)
Hoặc