Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh như hiện nay, người học phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường học. Các thách thức có thể bao gồm áp lực học tập ngày càng tăng, các kỳ thi căng thẳng,sự phức tạp trong việc cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân... Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực sẽ trang bị cho giáo viên, các nhà giáo dục những kiến thức và kỹ năng để nuôi dưỡng sự an lành của học sinh. Với những góc nhìn sâu sắc từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, các buổi hội thảo sẽ khám phá một hoặc nhiều khía cạnh của hạnh phúc.
"Một cộng đồng hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc"
Tại Hội thảo, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) và Hệ thống trường TH School cho biết: "Bằng tất cả khát khao và cống hiến, chúng tôi quyết tâm xây dựng TH School trở thành ngôi trường hạnh phúc - nơi bừng nở niềm vui và lan tỏa yêu thương".
Bà Thái Hương khẳng định, TH School áp dụng triệt để triết lý "trường học hạnh phúc", nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục trao quyền tự chủ cho mỗi học sinh. Bà nhấn mạnh thông điệp, hãy xây dựng trường học trở thành "một điểm chạm hạnh phúc", nơi kết nối tinh hoa tri thức, định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chủ đề hội thảo ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển cộng đồng những người hạnh phúc, được tạo ra bởi 1 nền giáo dục hạnh phúc.
Theo Bộ trưởng, cách đặt vấn đề "Hạnh phúc trong giáo dục" rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc. Trong đó, nhân tố chủ động, nội tại của người học cũng là nhân tố quyết định hạnh phúc trong giáo dục. Chỉ khi người học cảm nhận được sự hạnh phúc sung sướng của việc học thì mới có thể tạo được những điều có giá trị lớn lao trong xã hội. Trung tâm của tất cả là tìm thấy hạnh phúc trong quá trình học tập và phát triển con người.
Trong 10 yếu tố Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở để giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục, ông đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của thầy cô. "Trong hoạt động giáo dục, các nhà giáo cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người", Bộ trưởng khẳng định.
"Công thức" của Hạnh phúc trong giáo dục
Trong hội thảo, các chuyên gia giáo dục quốc tế chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp "hạnh phúc" và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục. Bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm, họ chia sẻ những quan điểm về giáo dục toàn diện và học tập cá nhân hóa; đặt mục đích và hạnh phúc là trọng tâm trong giáo dục.
Ông Martin Skelton (cố vấn đặc biệt của Hệ thống trường quốc tế ISP Vương Quốc Anh, cố vấn sáng lập trường TH School) nhấn mạnh các giáo viên không nên chỉ là người giao bài tập, khiến cho người học bận rộn hơn mà cần trở thành người đồng hành, hỗ trợ trong quá trình các học trò học tập, khám phá.
"Tôi thường đến các ngôi trường xây dựng chương trình để giúp học sinh bận rộn hơn, hiệu quả hơn. Nhưng thực sự, việc sử dụng các chương trình học tập không phải là thứ hiệu quả mà cách thức áp dụng nó mới là điều quyết định. Chúng ta cần cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học tập. Khi chúng càng hạnh phúc thì càng học tập tốt hơn. Học cách trở nên hạnh phúc như thế nào cũng là cách chúng ta học được nhiều điều khác",ông Martin Skelton phát biểu tại hội thảo.
PGS. Ngô Tuyết Mai (ĐH Flinders, Úc) chia sẻ một khẩu hiệu đi cùng năm tháng của ngành giáo dục Việt Nam là: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhưng như thế nào để vui, làm thế nào để học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả các lãnh đạo có 1 ngày vui ở trường thì cần giải quyết cả việc đào tạo trí óc và trí tuệ cảm xúc. Theo PGS Mai, cần phải trả lời 3 câu hỏi chính: Tại sao phải đào tạo trí tuệ cảm xúc? Làm thế nào để đào tạo trí tuệ cảm xúc? Và bài học để lại là gì? Trong đó, việc đào tạo trí tuệ cảm xúc giúp người học tìm ra tố chất của mình, phát huy tối đa các khả năng của cá nhân.
Cũng dưới góc nhìn này, ông Thomas Hobson, chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em Hoa Kỳ cho rằng, hạnh phúc không phải là công thức, không cầm nắm được, mà là cảm nhận sự yêu thương. Nếu việc học máy móc, lặp đi lặp lại, những giờ học trên trường sẽ nặng nề và người học sẽ không còn hạnh phúc. Bằng phương pháp giáo dục dựa trên trò chơi, ông lấy ví dụ về cách các chương trình giảng dạy cho trẻ em dẫn dắt, thúc sự tò mò, động lực tự thân, cộng đồng, sự thấu cảm và mục đích sống. Khi chúng ta để những đứa trẻ tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời về cuộc sống, chúng sẽ tự có hành trình tìm thấy hạnh phúc của mình.
Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục" là cơ hội để các nhà giáo dục, phụ huynh và cộng đồng cùng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục. Đây cũng là bước đi thực tế để xây dựng một nền giáo dục bền vững và nhân văn, nơi học sinh không chỉ học giỏi mà còn sống hạnh phúc./.
Hoặc