Chờ nhận thưởng Tết mới nghỉ việc
Dũng Huệ (28 tuổi, TP.HCM) cho biết cô nàng đã có ý định nghỉ việc vào đầu tháng 10 này. Tuy nhiên, Dũng Huệ vẫn quyết tâm ở lại công ty cũ và đợi thưởng Tết, vì cho rằng khoản tiền thưởng cuối năm là những bù đắp xứng đáng cho công sức bản thân đã bỏ ra.
Cách đây 2 tháng, Dũng Huệ chia sẻ từ nhân viên phòng kế hoạch, cô đã bị chuyển xuống phòng sản xuất. Cô nàng bị ép đảm nhận công việc không đúng chuyên môn, dẫn đến thường xuyên bị cấp trên trách vì không hoàn thành đúng tiến độ công việc. Tuy nhiên, Dũng Huệ vẫn cố cầm cự ở vị trí hiện tại vì nhiều nguyên do. Thứ nhất, cô nàng muốn nhận được thưởng Tết và phần lương bị giữ lại của năm. Thứ hai, cô cho rằng qua Tết âm mới là mùa tuyển dụng nhộn nhịp, khi đó sẽ là thời điểm phù hợp hơn để cô nàng nhảy sang công ty khác.
Tuy nhiên trong quãng thời gian này, Dũng Huệ vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội mới. Nếu có vị trí khác phù hợp hơn, cô nàng sẽ chấp nhận bỏ đi phần tiền thưởng Tết, cố gắng đòi tiền lương bị giữ lại và tìm đến môi trường phù hợp hơn.
"Khối lượng công việc nặng, cảm giác bị chèn ép khiến mình hàng ngày đi làm mà chỉ muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, nghĩ chỉ còn hơn 2 tháng nữa là nhận thưởng Tết thì mình thấy không đành. Tết sắp đến mà mình không có tiền, không có việc thì còn khổ hơn là đi làm áp lực. Nên hiện tại, mình vẫn đang cố mà chịu đựng", Dũng Huệ bày tỏ. Cô cũng nói thêm, mức lương hàng tháng của bản thân là 13 triệu đồng, nhưng tiền thưởng Tết mỗi năm là 3-4 tháng lương, tức khoảng 40 triệu đồng. Với mức thưởng Tết này, cô nghĩ có thể làm được nhiều việc cho bản thân, gia đình.
Chán sếp nhưng không dám xin nghỉ
Diệu Quỳnh (25 tuổi, TP.HCM) đang làm nhân viên văn phòng kiếm được hơn 20 triệu đồng/tháng. Cô nàng chia sẻ, đây là mức lương khá ổn so với bình quân thu nhập của nhân viên trong ngành. Tuy nhiên, nếu so sánh với những áp lực mà Diệu Quỳnh phải trải qua khi đi làm thì cô thấy đây vẫn là con số không xứng đáng. Đây cũng là lý do mà cô nàng muốn rời đi khỏi vị trí hiện tại.
Diệu Quỳnh chia sẻ, trước khi chuyển đến cơ sở làm việc mới của công ty, cô nàng có thể kiếm được 18 triệu đồng/tháng. Cơ sở này gần nhà nên cô nàng không mất tiền nhà ở và chi phí nấu ăn hàng ngày, lại còn được sống cùng gia đình. Tuy nhiên vào giữa năm nay, công ty có quyết định chuyển Diệu Quỳnh sang làm ở cơ sở khác, cách nhà 30km. Điều này khiến cô nàng mất rất nhiều thời gian để cân nhắc giữa lựa chọn nên đi hay ở lại công ty.
Diệu Quỳnh cho hay: "Thời điểm đó, mình phân vân nhiều lắm. Nếu chọn rời khỏi công ty thì mình có thể dễ dàng kiếm được công việc mới với mức lương khoảng 18 triệu/tháng. Vì giữa năm là thời điểm mùa tuyển dụng hoạt động sôi nổi.
Tuy nhiên, mình vẫn chọn ở lại công ty cũ, chuyển sang làm ở cơ sở mới. Vì bây giờ, mình ở lại công ty là vì lời rủ rê từ sếp cũng bị chuyển sang cơ sở mới. Trước khi quyết định ở lại, mình đã thẳng thắn trao đổi tình hình tài chính với sếp, rằng nếu chuyển sang cơ sở mới làm việc, mình sẽ tốn nhiều tiền hơn. Sếp đã hứa sẽ giúp mình cải thiện tài chính, bằng cách thay đổi bảng lương hoặc giao thêm công việc. Tuy nhiên, kết quả là khi chuyển sang cơ sở mới, tiền lương của mình chỉ tăng lên một chút, nhưng bù lại mình phải gánh nhiều chi phí hơn".
Diệu Quỳnh tính toán, cô nàng đã tốn một số tiền khá lớn để ổn định cuộc sống sau khi chuyển sang cơ sở làm việc mới. "Tháng đầu tiên chuyển nhà, mình mất khoảng 6 triệu đồng để mua sắm đồ dùng ổn định cuộc sống. Vì từ trước đến giờ, mình luôn sống cùng nhà với bố mẹ. Dọn ra ngoài ở riêng thì tức là phải mua sắm nhiều đồ đạc như bát đũa, tủ.
Bên cạnh đó, mình cũng tốn 6 triệu/tháng cho chi phí nhà ở. Mình có biết nấu ăn, nhưng đi làm mệt quá nên thường gọi đồ ăn bên ngoài. Nhìn chung, mình tốn thêm khoảng 8 triệu/tháng sau khi dọn ra ngoài ở riêng. Đây là con số khiến mình vô cùng căng thẳng khi phải tính toán chi tiêu hàng tháng", cô nàng nói.
Diệu Quỳnh nói tình hình hiện tại khá bế tắc. Cô nàng đang cố gắng tìm thêm người ở ghép để giảm chi phí nhà ở. Diệu Quỳnh cũng khó tìm kiếm công việc mới vì giờ đang cuối năm, nhiều công ty đã ngừng tuyển dụng. Bên cạnh đó, mỗi khi nghĩ đến tiền thưởng cuối năm là 1 tháng lương, cộng với tiền thưởng quý do doanh số thì đã biến chúng thành động lực để Diệu Quỳnh đi làm hàng ngày.
"Mình đã dò hỏi những người từng nghỉ việc thì được biết, nếu nghỉ trước Tết thì sẽ mất luôn khoản thưởng. Điều này đồng nghĩa nếu nghỉ việc, mình sẽ mất trắng. Giả sử công ty vẫn trả thưởng dựa trên số tháng làm việc và thành tích hiện tại thì mình đã nghỉ ngay".
Có tài chính thế nào thì mới dám xin nghỉ việc?
Về phía Dũng Huệ, cô cho rằng nếu có nghỉ việc thì trong thời gian thất nghiệp, cô vẫn có thể sống ổn nếu cố gắng cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Nhưng ở giai đoạn cuối năm, khi nhìn đâu cũng thấy cần tiêu tiền thì cô nàng không dám nghỉ việc. Hơn nữa, Dũng Huệ không có quỹ tiết kiệm lớn, khoản đầu tư đang âm thì là những yếu tố này càng khiến cô càng chần chừ đưa ra quyết định xin nghỉ việc.
Trong khi đó Diệu Quỳnh chia sẻ, giờ xin nghỉ việc thì cô nàng vẫn có một khoản tiết kiệm đủ để sống tốt trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, cô nàng cho rằng với khả năng chuyên môn của bản thân thì chỉ cần thị trường lao động đủ sôi động, cô sẽ không sợ thất nghiệp.
Về kế hoạch tài chính, Diệu Quỳnh cho rằng thu nhập luôn là yếu tố hàng đầu mà cô nàng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp đơn xin nghỉ việc. Cô nàng chia sẻ: "Nếu xin nghỉ việc, mình có thể về quê sống một thời gian, nên không cần tốn tiền nhà và ăn uống. Bên cạnh đó, quỹ dự phòng của mình đã bằng ít nhất 1 năm chi phí sinh hoạt, nên vấn đề nghỉ việc không phải điều to tát. Tuy nhiên, dù tài chính có khá vững thì mình sẽ không bao giờ nói lời nghỉ việc dễ dàng. Bởi với mình, mất đi 1 nguồn thu nhập thì dù bản thân có bớt căng thẳng thì cũng không có lợi gì cả, nhất là mùa Tết cần chi tiêu nhiều sắp tới".
Hoặc