“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên

20/10/2024 12:02

“Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, đó là khẩu hiệu thể hiện quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp (tỉnh Gia Lai).

Biên giới không ngủ

Đồn Biên phòng Ia Lốp (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đóng quân trên tuyến biên giới, giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Nơi đây, thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài triền miên, mùa nắng được ví như "chảo lửa" vùng biên.

Dù vậy, nhưng với phương châm "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua", cán bộ chiến sĩ của đồn Biên phòng Ia Lốp, luôn vững tay súng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới, công tác dân vận, gắn bó, gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên để củng cố, xây dựng lòng tin, gắn kết tình quân và dân cũng là một phần nhiệm vụ quan trọng không kém.

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt tại vùng biên giới Gia Lai. Dọc theo Quốc lộ 14, rẽ vào tuyến đường đất, băng cắt qua những cánh rừng khộp, chúng tôi ghé thăm Chốt biên phòng Suối Pa (thuộc Đồn Biên phòng Ia Lốp).

“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên- Ảnh 1.

Tuần tra kiểm soát là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn biên giới.

Một ngôi nhà đơn sơ, mái lợp tôn xanh hiện hữu giữa bốn bề rừng núi. Tiếp chúng tôi, Đại úy Hoàng Quốc Bảo, Chốt trưởng chốt Suối Pa chia sẻ, lực lượng bộ đội biên phòng tại biên giới phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ.

"Điều kiện làm việc của chúng tôi luôn dưới thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài triền miên, mùa nắng như "đổ lửa", địa hình hiểm trở, rừng núi hoang vu. Sóng điện thoại thì chập chờn, lúc có lúc không. Các hoạt động tuần tra kiểm soát tuyến đường biên liên tục cả ngày cả đêm. Dù khó khăn gian khổ, nhưng anh em luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao", Đại úy Hoàng Quốc Bảo nói.

“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên- Ảnh 2.

Đường tuần tra rừng núi hiểm trở nhưng các chiến sĩ mang quân hàm xanh luôn vượt qua mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại úy Bảo tâm sự: "Những đêm gác giữa không gian tĩnh mịch chỉ có tiếng gió thổi và tiếng róc rách nước suối chảy, nỗi nhớ nhà lại càng thêm da diết. Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ Tết, nhà nhà đoàn viên chuẩn bị mâm cơm, lính biên phòng trực chiến nơi biên cương. Mỗi lần gọi điện về, con gái lại hỏi "bao giờ bố về?" lòng tôi lại thấy bồi hồi.

Tôi nhớ đứa con bé bỏng, nhớ những bữa cơm đầm ấm bên gia đình. Nhưng nhờ những câu nói vợ động viên "anh yên tâm công tác, ở nhà mọi thứ đều ổn. Cả nhà chờ bố về!", lòng tôi lại thấy ấm áp lạ thường. Dù khó khăn gian khổ, vất vả nhưng gia đình chính là động lực to lớn để anh em trong đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp, mỗi người đến từ một vùng miền khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, qua những cử chỉ nhỏ nhặt, những ánh mắt trìu mến mà các anh nhìn nhau, chúng tôi phần nào hiểu được họ không chỉ là đồng đội, mà còn gắn bó như anh em, cùng chung chí hướng, lý tưởng.

“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên- Ảnh 3.

Tăng gia sản xuất, chăn nuôi cải thiện bữa anh cho anh em chiến sĩ đồn.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Đại úy Trần Hữu Chinh (Chốt Trưởng chốt số 2), bộc bạch: "Nơi biên cương cuộc sống rất vất vả. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để kiểm soát việc xuất nhập cảnh trái phép, anh em trong đơn vị căng mình làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.

Đường tuần tra quanh co, qua những ngọn núi cao chập chùng, rừng sâu bạt ngàn, những lối mòn nhỏ hẹp lởm chởm đá. Có những buổi chiều tuần tra, cơn mưa rừng bất chợt đổ ào xuống khiến anh em ướt sũng. Mưa tạnh, đêm tối bao trùm, đường lầy lội, dưới ánh đèn pin yếu ớt những bước chân cắm sâu vào bùn đất, anh em chỉ biết động viên tiến về phía trước. Chính vì vậy, anh em hay gọi ví von, biên giới không bao giờ được phép ngủ là vậy".

Đại úy Chinh kể, những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lúc đói, anh em dừng chân, ăn qua loa vài miếng lương khô lót dạ lấy sức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Có những lúc mệt nhoài, đôi tay tê cứng đến nỗi không thể nhấc nổi khẩu súng. Giữa bộn bề gian nan vất vả, nhưng anh em không bao giờ nản lòng, luôn thấy hừng hực trong tim ngọn lửa rực cháy quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hợp tác với biên phòng nước bạn

Đồn Biên phòng Ia Lốp tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Chính vì vậy, việc thường xuyên hợp tác với lực lượng biên phòng Campuchia là một trong những nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu.

Theo Thiếu tá Trần Lê Anh Tuấn, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Ia Lốp, phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn là nhiệm vụ tất yếu và quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trên tuyến biên giới. Việc phối hợp giữ lực lượng biên phòng 2 nước giúp tăng cường hiệu quả hơn trong việc tuần tra, kiểm soát, giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh phức tạp.

Bên cạnh đó, việc hợp tác còn nâng cao vai trò vị thế của đồn trong mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước có chung tuyến biên giới. Ngoài ra, việc hợp tác giữa biên phòng 2 nước không chỉ đảm bảo vấn đề về an ninh, trật tự mà còn là nền tảng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội khu vực biên giới.

Thiếu tá Tuấn nhấn mạnh: "Thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia Lốp thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Campuchia trong công tác tuần tra kiểm soát trên biên giới, đường mòn qua lại biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép trên tinh thần tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.

Do đó, việc phối hợp với đồn biên phòng nước bạn là nhiệm vụ chiến lược thiết yếu, không chỉ nhằm bảo vệ biên cương mà còn về mọi mặt kinh tế, xã hội".

“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên- Ảnh 4.

Đồn Biên phòng Ia Lốp thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng Campuchia xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới.

“Lá chắn thép” ngăn chặn ma túy xâm nhập vùng biên Nghệ An'Lá chắn thép' 4K51 Rubezh tập trận khai hỏa tiêu diệt kẻ thù“Lá chắn thép” đẩy lùi ma túy ở bản đồng bào dân tộc Mông

"Bên cạnh công tác đối ngoại, thì công tác dân vận, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên không kém phần quan trọng. Anh em chiến sĩ cũng ăn ở cùng làm, gắn bó tình đoàn kết quân dân, định hướng giúp người dân phát triển kinh tế. Anh em chiến sĩ luôn thực hiện đúng theo câu nói "đi dân nhớ ở dân thương"", Thiếu tá Tuấn cho biết thêm.

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những hy sinh thầm lặng của lực lượng biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc, không chỉ thể hiện lòng yêu nước, mà còn minh chứng cho sự kiên định, bền bỉ, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy bảo vệ biên cương.

Bạn đang đọc bài viết "“Lá chắn thép” trên tuyến biên giới Tây Nguyên" tại chuyên mục Phong cách sống.