Vào đêm ăn mừng chiến thắng sớm 6/11, ông Donald Trump tuyên bố “đã đến lúc đoàn kết” và “gạt bỏ những chia rẽ trong 4 năm qua về quá khứ”. Chỉ khoảng 55 giờ sau, một lần nữa, ông bắt đầu đe dọa dùng quyền lực để điều tra những người khiến ông tức giận.
Ông Trump bực tức trước “tin đồn giả mạo, không đúng sự thật và có thể là bất hợp pháp” về việc ông có thể bán cổ phiếu của nền tảng truyền thông xã hội Truth Social. Tổng thống đắc cử đã phủ nhận và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền điều tra ngay lập tức những người lan truyền thông tin.
Chưa rõ liệu ông Trump truy tố các đối thủ không. Đôi khi, tổng thống đắc cử chỉ nổi nóng và đe dọa, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Theo New York Times, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần đòi “trả thù” cho những lần mình bị đối xử bất công, khiến cả đồng minh và đối thủ đều mong đợi một “làn sóng trả thù” sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.
8 năm kể từ lần đầu bước vào Nhà Trắng, ông Trump quay trở lại và mang trong mình tâm trạng tức giận hơn và công khai nói về “sự trả thù” hơn lần trước. Suy cho cùng, ông đã nắm trong tay mọi thứ mình muốn: Cử tri bênh vực; chiến thắng áp đảo; và gần như chắc chắn không phải ngồi tù, đặc biệt sau khi Tòa án Tối cao cấp cho tổng thống quyền miễn truy tố với các hành vi khi còn đương nhiệm.
Ngay cả khi ông kiềm chế và không làm như những gì đã tuyên bố, với bản tính thất thường, không ai có thể chắc chắn tổng thống đắc cử sẽ không thay đổi suy nghĩ, tạo nên bầu không khí căng thẳng và chôn vùi bất đồng chính kiến.
"Ông Trump sẽ trả đũa chứ? Có."
"Ông Trump sẽ trả đũa chứ?", Gwenda Blair - người viết tiểu sử về gia đình Trump - đặt câu hỏi. “Có chứ. Câu hỏi đặt ra là sẽ có bao nhiêu phần chung và bao nhiêu phần riêng. Ít nhất sẽ có các cuộc điều tra công khai của Quốc hội, các công tố viên đặc biệt và vài lần truy tố. Ông Trump cũng có thể hành động âm thầm, dưới hình thức kiểm toán thuế, không gia hạn hoặc hủy bỏ các khoản tài trợ, chương trình, khoản vay, sa thải và không tuyển dụng".
Một số cố vấn cho biết không có gì ngạc nhiên nếu ông Trump làm theo những gì đã tuyên bố. Một người còn khẳng định ông Trump không tin vào việc “tha thứ và quên đi”. Vốn dĩ ông đang bực tức về những gì xảy ra suốt 4 năm qua: Luận tội, điều tra, truy tố và kiện tụng.
Chưa rõ liệu ông Trump truy tố các đối thủ như ông từng tuyên bố không. Ảnh: New York Times. |
Nhiều nguồn tin cho hay nội bộ của ông Trump đang có những suy nghĩ trái chiều. Có trợ lý khuyến khích ông trả đũa đối thủ, lập luận rằng “chiến tranh pháp lý” nhắm vào ông Trump đã vượt quá giới hạn và cần một cuộc phản công không khoan nhượng. Có những cố vấn khác, trong đó có nhà tài trợ, cho rằng điều này sẽ gây tổn hại tới di sản của tổng thống đắc cử, nên ông cần tập trung vào chương trình nghị sự chính sách về cắt giảm thuế và nhập cư.
Người ngồi vào ghế bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ cho thấy phe nào thắng thế và là chỉ báo cho hướng đi của ông Trump trong tương lai.
Ví dụ, nếu một người như Matthew G. Whitaker - cựu công tố viên liên bang hung hăng - được chọn cho vị trí này, đảng Cộng hòa sẽ tự hiểu tổng thống đắc cử quyết tâm trừng phạt các đối thủ.
Song nếu đó là Jay Clayton - cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, hoặc Robert J. Giuffra Jr. - đồng chủ tịch Sullivan & Cromwell, đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump muốn tập trung nhiều hơn vào các ưu tiên chính sách.
Nếu quyền lực tại Bộ Tư pháp là chưa đủ, các đồng minh của ông Trump tại Quốc hội có thể chung tay vào nỗ lực trả đũa. Hai đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, Jim Jordan và Barry Loudermilk, gần đây ám chỉ họ sẽ điều tra Jack Smith - công tố viên liên bang đặc biệt - trong nhiệm kỳ tiếp theo, khi gửi lá thư yêu cầu ông lưu giữ hồ sơ các cuộc điều tra nhắm tới ông Trump.
NPR thống kê có khoảng 100 lời đe dọa từ ông Trump trong suốt chiến dịch.
Ông Trump tuyên bố sẽ chỉ định "một công tố viên đặc biệt để truy tố" Tổng thống Joe Biden và gia đình, trong khi bà Kamala Harris nên bị “truy tố vì hành động của bà” với chính sách biên giới. Ông chia sẻ các bài đăng kêu gọi xét xử cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney tại tòa án quân sự.
Ông cũng yêu cầu truy tố những người liên quan tới các vụ án hình sự và dân sự. Trong đó gồm Tổng chưởng lý New York Letitia James - người thắng vụ kiện dân sự trị giá 450 triệu USD chống lại ông Trump vì thổi phồng tài sản bất hợp pháp để được cho vay; Thẩm phán New York Arthur F. Engoron; và công tố viên Alvin L. Bragg - người cáo buộc ông Trump 34 trọng tội từ vụ dùng tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Với ông Smith - người cáo buộc ông Trump tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và sai phạm trong xử lý tài liệu mật, tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ sa thải ông “trong vòng 2 giây” trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, đồng thời nói chính phủ “nên trục xuất Jack Smith” khỏi đất nước.
Ông Trump cũng đề xuất truy tố một thành viên bồi thẩm đoàn Georgia và đe dọa “án tù dài hạn” với những nhân viên bầu cử “gian lận”. Ông nói Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta - "sẽ phải ngồi tù suốt đời" nếu xác định ông Zuckerberg đã vi phạm bất kỳ luật nào.
Một số đồng minh thúc giục ông Trump trả đũa đối thủ sau khi lên nắm quyền. Ảnh: Reuters. |
"Nếu họ lừa bạn, hãy lừa lại họ gấp 10 lần"
Ông Trump là người ủng hộ việc trả thù. "Hãy trả thù", ông nói. "Nếu họ lừa bạn, hãy lừa lại họ gấp 10 lần".
Trong lần đầu tiên đắc cử tổng thống, ông Trump tỏ ra thích thú khi đám đông hô vang “Nhốt bà ta lại”, và thậm chí còn nói với đối thủ Hillary Clinton ngay trên sân khấu tranh luận rằng nếu ông thắng, “bà sẽ phải vào tù”. Song ông đã không thực hiện lời nói đó, thậm chí còn tỏ ra mềm mỏng hơn với bà Clinton: “Bà ấy đã trải qua rất nhiều chuyện”. Nhưng tổng thống đắc cử chưa từng từ bỏ ý định và thi thoảng có nhắc lại những tuyên bố này.
Khi còn đương chức, ông Trump tìm cách lợi dụng các cơ quan thực thi pháp luật chống lại đối thủ chính trị. Ông nhiều lần thúc giục các tổng chưởng lý điều tra ông Obama, ông Biden và nhiều đảng viên Dân chủ khác, nhưng đều bị từ chối. Song chính quyền ông cũng nhắm tới một số cá nhân khác, như các cựu quan chức FBI Andrew G. McCabe và Peter Strzok.
Ông Trump có thể sẽ không tiến xa tới mức điều tra một số nhân vật cấp cao như ông Biden hay bà Harris. Nhưng một số đồng minh cho rằng ít nhất ông sẽ đeo đuổi một số mục tiêu đã tuyên bố công khai.
"Ông ấy thất thường và có khả năng tập trung của một đứa trẻ 7 tuổi", Harry Litman - cựu quan chức Bộ Tư pháp dưới thời ông Bill Clinton - nói. “Nhưng cơn khát trả thù những người ông ấy coi là đối thủ hiển hiện rất rõ và không có lý do gì ông ấy sẽ bị ngăn cản bởi những thủ tục pháp lý. Chỉ cần hỏi Andy McCabe hoặc Peter Strzok là biết".
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.
Hoặc