Lăng kính chứng khoán 9/8: Thị trường chưa quá xấu

15/08/2024 05:30

Thanh khoản không dâng nhanh đột ngột nên tạm thời thị trường chứng khoán chưa quá xấu và điều quan trọng là tích lũy tạo nền hỗ trợ vững chắc ở khu vực 1.200 - 1.220 điểm.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Áp lực bán vẫn khá mạnh so với lực cầu, tuy nhiên thanh khoản không dâng nhanh đột ngột nên tạm thời thị trường chưa quá xấu và điều quan trọng là tích lũy tạo nền hỗ trợ vững chắc ở khu vực 1.200 - 1.220 điểm.

VCBS khuyến nghị với mức giải ngân tương quan với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, ưu tiên chọn lọc những cổ phiếu tạo đáy thành công hoặc vận động cùng VN-Index và thuộc một số nhóm ngành có kỳ vọng khả quan như đầu tư công, xăng dầu.

Lăng kính chứng khoán 9/8: Thị trường chưa quá xấu- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 8/8 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán Beta: Ngày 9/8 là phiên giao dịch cuối tuần, bên cạnh rủi ro bán ròng từ khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng nên dễ xuất hiện những biến động mạnh khó lường, nhà đầu tư cần thận trọng trong giao dịch nhằm hạn chế những rủi ro do những biến động ngắn hạn có thể gây ra.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên xem xét duy trì tỉ trọng tiền mặt hợp lý để có thể tận dụng những nhịp giảm sâu nhằm tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt và tiềm năng tăng trưởng khả quan với định giá hợp lý khi xu hướng chung của thị trường vẫn chưa xác nhận tích cực.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ còn giằng co trong vùng 1.200 - 1.210 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch 9/8.

Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang trong vùng quá bán cho thấy thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp và không nên bán ở giai đoạn này. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỉ trọng thấp.

Khuyến nghị đầu tư

- KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc): Khả quan, giá mục tiêu một năm là 33.600 đồng/cổ phiếu (tăng 35,8% so với giá 24.750 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Trong quý II/2024, KBC đã bàn giao 15 ha đất công nghiệp, thấp hơn nhiều so với quý II/2023 với 64 ha đất công nghiệp được bàn giao trong khi trong quý I/2024 công ty không bàn giao diện tích đất công nghiệp dẫn đến lỗ ròng trong quý I/2024.

Cập nhật các dự án chính: 2 dự án chính là KCN Tràng Duệ 3 (687 ha) và Khu đô thị Tràng Cát (584,9 ha), đều đã được đưa vào quy hoạch tổng thể điều chỉnh của Tp.Hải Phòng và hiện đang chờ chấp thuận đầu tư trước khi mở bán. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 với 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế phụ thuộc nhiều vào 2 dự án này.

Trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường vào tháng 3/2024, ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 hai dự án này vào tháng 6/2024. Do đó, thủ tục pháp lý cho 2 dự án này kéo dài sẽ khiến công ty tiếp tục không đạt được kế hoạch kinh doanh đặt ra.

Kinh Bắc đem 10 triệu cổ phiếu KBC của Chủ tịch đi "cầm cố"Đô thị Kinh Bắc vay công ty con 500 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh

Kế hoạch phát hành riêng lẻ: Tại ĐHCĐ thường niên năm 2024, các cổ đông đã chấp thuận tăng vốn chủ sở hữu thông qua phương thức phát hành riêng lẻ, theo đó KBC sẽ phát hành 250 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu bằng 80% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN phê duyệt phát hành riêng lẻ. Vốn chủ sở hữu mới sẽ nâng cao năng lực tài chính của KBC để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án mới, bao gồm các dự án lớn như Khu đô thị Tràng Cát và KCN Tràng Duệ 3 mà KBC đang xin phê duyệt đầu tư.

Ước tính lợi nhuận: Đối với năm 2024, do KCN Tràng Duệ 3 vẫn chưa nhận được giấy phép đầu tư, SSI nghiêng về kịch bản kém khả quan khi KBC sẽ không thể cho thuê và bàn giao đất công nghiệp tại KCN Tràng Duệ 3 cho khách hàng trong năm 2024. Do đó, SSI kỳ vọng KBC sẽ cho thuê tổng cộng 55 ha đất công nghiệp, trong đó 15 ha đã được giao trong 6 tháng đầu năm 2024 và 40 ha đã được các nhà đầu tư mới đảm bảo thuê tính đến cuối tháng 6 năm 2024.

- DPG (CTCP Tập đoàn Đạt Phương): Chờ mua.

Quý II/2024, DPG đạt doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt là 960 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ) và 54 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ). Lợi nhuận gộp tăng nhẹ khoảng 7% chủ yếu do tăng trưởng doanh thu xây lắp, tuy nhiên lợi nhuận thuần tăng mạnh do giảm chi phí lãi vay tương ứng với số dư vay.

Ngoài ra, công ty vừa trúng thầu dự án xây dựng kè chống sạt lở tại Thừa Thiên Huế với giá trị hợp đồng của DPG khoảng 101,5 tỷ đồng vào cuối tháng 7.

TCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng với thời tiết thuận lợi hơn cho thủy điện, tiếp tục nghiệm thu các dự án xây dựng chính (Cầu vượt sông Đáy, cao tốc Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa...); nhà đầu tư nên chờ cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 9/8: Thị trường chưa quá xấu" tại chuyên mục Tài chính.