Làng nghề quạt Chàng Sơn: Hướng đi mới trong thời hội nhập

16/08/2022 12:11

(THPL) - Cũng giống như bao làng nghề khác, làng quạt Chàng Sơn cũng lao đao trong sự phát triển như vũ bão của công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, Chàng Sơn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi xu hướng du lịch làng nghề ngày một phát triển.

Làng quạt Chàng Sơn tìm hướng đi mới trong thời kì hội nhập. Ảnh: Bích Ngọc.

Làng Chàng Sơn vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dân Chàng Sơn cũng nổi tiếng là "dân bách nghệ", trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến nghề làm quạt giấy tại nơi đây.

Trước đây, khi cả nước còn trong thời kỳ bao cấp, xã Chàng Sơn là một tổ hợp sản xuất quạt giấy chuyên nghiệp, phân phát đi khắp nơi và được Nhà nước bảo trợ. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều người làm quạt giấy trong làng phải bỏ nghề do không có thị trường tiêu thụ, chỉ còn ít người quyết tâm bám trụ với nghề, không ngại khó, ngại khổ để tìm hướng đi cho nghề cũ của làng.

Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Ảnh Bích Ngọc.

Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Nếu trước kia, Làng quạt Chàng Sơn chỉ sản xuất những chiếc quạt giấy, quạt nan, thì nay người Chàng Sơn đã sản xuất đủ các loại quạt như: quạt the, quạt lụa, quạt tranh trang trí treo tường, quạt dùng làm thiệp mời cưới cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm.

Quạt Chàng Sơn dù là loại nào cũng toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những họa tiết, hình ảnh trang trí trên chiếc quạt. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bởi mỗi hình vẽ trên quạt khắc họa những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và cả những tích truyện cổ, bài thơ, câu đối hay ghi công danh, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc.

Khi lựa tre phải chọn tre dẻo, già, có độ tuổi từ 3 năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Ảnh Bích Ngọc.

Theo các cụ cao niên trong làng, để có được sản phẩm cuối cùng, người làm nghề phải tỉ mỉ kĩ càng trong từng khâu một. Thứ nhất tre phải dẻo, già, có độ tuổi từ 3 năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre. Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót thành nan quạt. Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau.

Quạt được phơi khắp đường làng ngõ xóm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Ảnh: Bích Ngọc.

Quạt Chàng Sơn hiện nay được sản xuất từ loại giấy Bãi Bằng để mộc hay nhuộm màu, tạo vẻ sặc sỡ, tươi vui cho những chiếc quạt xoè của lễ hội. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh. Khi vẽ phải căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Phải tính toán kỹ lưỡng sao cho khi hoàn thành, gấp quạt lại không ảnh hưởng đến tranh, các nếp gấp nằm vào đúng khoảng không, không được cắt người hay cắt vật.

Sau khi gắn kết giấy và nan quạt, quạt sẽ được mang đi phơi, từng mảng xanh đỏ xuất hiện khắp đường làng ngõ xóm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Sau khi phơi khô, quạt được cắt tỉa, mài tròn lại, rồi sau đó mới đem đi tiêu thụ.

Những năm về trước, khi mà người người, nhà nhà chủ yếu dùng quạt điện, điều hòa, làng quạt cũng lao đao trong thời buổi cơ chế thị trường. Nhưng một hai năm trở lại đây, Chàng Sơn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi xu hướng du lịch làng nghề ngày một phát triển. Quạt Chàng Sơn vẫn liên tục được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Với những bước đi vững chắc và đã khẳng định được thương hiệu, bây giờ chẳng ai nói nghề làm quạt là nghề phụ nữa.

Quạt Chàng Sơn góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. Ảnh: Bích Ngọc.

Giờ đây, ở Chàng Sơn nhà nhà làm quạt, người người làm quạt. Những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật giải tỏa những ưu phiền, chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế. Hy vọng, làng quạt Chàng Sơn sẽ ngày một phát triển hơn nữa với hướng đi mới trong thời kì hội nhập. 

Thắng Nguyễn - Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề quạt Chàng Sơn: Hướng đi mới trong thời hội nhập" tại chuyên mục Quản trị. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.