Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ

18/10/2024 00:38

Các quần thể của loài cây này có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Loài cây chỉ còn 13 cá thể cổ thụ tại Việt Nam

Chai lá cong, có tên khoa học là Shorea falcata Vidal, họ Dầu Dipterocarpaceae, là loài cây đặc hữu của Việt Nam. Ngoài ra, loài cây này còn được gọi là chai lá phảng, sao lá cong, sưng cát. Chai lá cong được nhà thực vật J.E.Vidal (người Pháp) thu mẫu đầu tiên tại bán đảo Cam Ranh và công bố năm 1962.

Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế phải cần đến hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ. Loài này được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới phân loại vào danh mục đỏ, ở mức độ nguy cấp cao, với nguy cơ cao bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Hiện nay, số lượng của loài cây này trên thế giới rất hiếm, do đó cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 1.

Chai lá cong là loài cây đặc hữu của Việt Nam. (Ảnh: Thiên Nhiên)

Cây này có kích thước lớn, thân cây sống lâu năm, với bề ngoài vỏ cây màu nâu xám và nứt dọc. Cây có chứa chất chai cục trong thân. Tán của cây rất rộng với lá đơn, mọc cách và không có răng cưa ở mép, hình dáng lá là hình trứng và hơi cong, có kích thước từ 8 đến 13 cm chiều dài và 3 đến 5 cm chiều rộng. Mặt trên của lá có màu xanh lục, trong khi mặt dưới có màu trắng bạc. Lá non của cây có màu đỏ hồng. Lá kèm của cây hình bản nhỏ và thường rụng sớm.

Loài cây này sở hữu những chiếc lá dài hoặc hình oval, phần dưới của lá thường bị lệch và không cân xứng với phần trên, có thể đây là lý do nó được gọi là chai lá cong. Cây chai lá cong thường mọc ở những vùng bãi cát hay đụn cát gần biển, có khả năng chống chịu với khô hạn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và môi trường đất nghèo dinh dưỡng.

Cây chai lá cong ra hoa vào khoảng tháng 6 đến tháng 7, với những bông hoa mọc ở kẽ lá, có màu vàng và được điểm xuyết bởi những đốm đỏ, phủ đầy lông tơ mềm mại và tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 2.

Cây chai lá cong được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới phân loại vào danh mục đỏ. (Ảnh: VietnamPlus)

Hoa của cây có hình dạng giống như cái chùy, thường mọc ở phần nách của lá. Hoa mẫu có 5 phần và mỗi phần rộng khoảng 1 cm. Bề mặt của hoa có màu vàng và được điểm xuyết bởi những đốm màu đỏ, hoa còn có lông mịn và thơm nức. Quả của cây hình trứng với kích thước khoảng 1 cm, có 5 cánh được tạo nên từ sự phát triển của đài. Trong số đó có 3 cánh lớn mỗi cánh dài đến 6 cm và 2 cánh nhỏ dài 4 cm. Quả non có màu đỏ còn quả chín chuyển sang màu nâu.

Theo báo An ninh Thủ đô, số liệu từ Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Huế, tại Việt Nam chỉ còn lại khoảng 13 cây chai lá cong cổ thụ, phần lớn tập trung ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Một lượng nhỏ các cây khác được tìm thấy ở khu vực ven biển ven biển Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Nguy cơ mất loài cây đặc hữu của Việt Nam

Chia sẻ với báo Nhân dân, Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàn, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Huế, chai lá cong là loài cây quý hiếm, đã được liệt vào sách đỏ và cần được bảo vệ cẩn thận. Bên cạnh thị xã Sông Cầu, ở những tỉnh khác số lượng của chúng rất hạn chế và chủ yếu là những cây mẹ cổ thụ vì chúng có tuổi thọ lớn.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 3.

Tại Việt Nam chỉ còn lại khoảng 13 cây chai lá cong cổ thụ. (Ảnh: Phú Yên Online)

Trong hệ thống phân loại thế giới, một loài chỉ xuất hiện duy nhất tại một khu vực và không được tìm thấy ở nơi khác được gọi là endemic hay đặc hữu. Loài đặc hữu cần được bảo vệ nghiêm ngặt; nếu không, chúng có thể biến mất và không bao giờ có thể tìm lại được.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu ở tỉnh Phú Yên, thông tin rằng mặc dù có nhiều chương trình và đề tài khoa học nhằm bảo tồn và phát triển chai lá cong, nguồn vốn ODA từ bên ngoài đã không còn được tiếp tục.

Chai lá cong, loài cây được phát hiện ở Phú Yên từ những năm 1990, không chỉ có vai trò trong phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái mà còn được sử dụng làm gỗ quý trong đóng tàu, làm kèo cột, và các vật dụng gia đình khác. Gỗ chai lá cong nếu để khô lâu năm sẽ cứng như sắt.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 4.

Chai lá cong là loài cây được phát hiện ở Phú Yên từ những năm 1990. (Ảnh: Báo Lao động)

Đặc biệt, cây này còn mang giá trị tâm linh đối với cộng đồng người dân vùng ven biển. Trong bối cảnh loài cây này đang dần bị mai một, người dân địa phương kỳ vọng chính quyền cùng các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng tiến hành các biện pháp bảo tồn và phát triển để bảo vệ loài cây quý hiếm này.

Theo Danh lục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN, 2020) Chai lá cong được xếp vào mức "Rất nguy cấp" (CR), các quần thể của loài có phạm vi hạn hẹp và trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chai lá cong thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Phụ lục I).

Các nhà khoa học đề xuất hai giải pháp để bảo tồn và phát triển chai lá cong, bao gồm bảo tồn tại chỗ và di dời đến nơi mới. Đối với cây chai lá cong quý hiếm, cần áp dụng đồng thời cả hai phương pháp: bảo tồn gen và bảo vệ cây mẹ tại chỗ, đồng thời thu thập hạt giống để nhân giống và trồng ở những nơi cần thiết.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 5.

Theo Danh lục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN, 2020) Chai lá cong được xếp vào mức "Rất nguy cấp" (CR). (Ảnh: Khánh Hòa)

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, việc bảo tồn chai lá cong cần được ưu tiên. Cần tiến hành khảo sát tình hình hiện tại của các cây còn tồn tại, đặc biệt là những cây non chưa được phát hiện, và lên kế hoạch bảo tồn chúng. Đối với các cây mẹ đã xác định, chúng cần được giao cho Nhà nước và người dân quản lý, nhằm ngăn chặn khai thác bất hợp pháp.

Ngoài ra, cần có hồ sơ nhằm công nhận chai lá cong là cây đặc hữu hoặc cây di sản của tỉnh Phú Yên, từ đó, cây sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức trong các chiến lược bảo tồn và phát triển.

Loài cây đặc biệt duy nhất Việt Nam sở hữu: Gỗ càng để lâu càng cứng như sắt, hiện còn 13 cá thể cổ thụ- Ảnh 6.

Một trong những cây chai lá cong cổ thụ ở Phú Yên. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Một số cây chai lá cong nổi tiếng có thể kể đến như: Cây chai lá cong khoảng 400 năm tuổi tại Vùng 4 Hải quân, nằm ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cây này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận diện là cây di sản Việt Nam vào năm 2020. Cây này có đường kính thân cây là 1,7 mét, cao khoảng 25 mét, và vẫn đang phát triển bình thường, ra hoa và quả đều đặn mỗi năm.

Ngoài ra, một địa chỉ khác có cây chai lá cong là miếu Ấp Trung, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Cây này được xác định khoảng trên 250 tuổi. Theo người dân địa phương, cây chai lá cong này hiện diện trước khi ngôi miếu được thành lập vào khoảng năm 1800. Kích thước thân cây khá to, đường kính (đo ở 1,3 m) là 1,1m, với mức tăng trưởng bình quân về đường kính khoảng 0,4 cm/năm, cho thấy cây này có độ tuổi như kể trên.

(Tổng hợp)