Muối được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như chế biến thực phẩm, y tế và công nghiệp...
Việt Nam là nước sản xuất được muối nhưng vẫn phải nhập khẩu thêm để đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Báo Công Thương, mỗi năm Việt Nam bỏ ra hàng tỷ USD nhập khẩu muối. Nghịch lý này xuất phát từ nguyên nhân chính là công nghệ chế biến muối không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sản xuất trong nước.
Cụ thể, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu tiêu thụ muối nước ta vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn mỗi năm nhưng sức sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là muối ăn, VTV News đưa tin.
Còn muối cho công nghiệp và y tế vẫn phải nhập khẩu, với khối lượng từ 400.000 - 600.000 tấn mỗi năm.
Riêng với muối ăn, đây là loại gia vị quen thuộc trong mỗi căn bếp. Nếu dùng với lượng đúng, đủ muối sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích của muối ăn
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, muối ăn còn gọi là thực diêm, có thành phần hóa học là Natri chloride (NaCl).
Theo y học cổ truyền, muối ăn có vị mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng thông thổ (gây nôn), thanh hỏa (làm mát), lương huyết (mát huyết), thông tiện, giải độc. Từ lâu, muối ăn được dùng làm gia vị và làm thuốc.
Trong cuộc sống hằng ngày, muối ăn mang lại rất nhiều lợi ích mà nhiều người chưa biết.
Giảm đau – sát khuẩn
Bác sĩ Vũ cho biết muối có tính sát trùng, do vậy có thể giúp giảm tình trạng đau, viêm họng hiệu quả. Người bị đau họng nên súc miệng với muối pha nước ấm nhiều lần trong ngày.
Trường hợp viêm nướu, đau răng, dùng nước muối ấm sức ngậm, sức miệng sẽ giúp giảm đau. Người hay bị chảy máu nướu răng, sáng tối dùng muối nhuyễn đánh răng, dùng liên tục sẽ đạt hiệu quả.
Giảm ngứa, đau khi côn trùng cắn
Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên có rất nhiều loại côn trùng, nguy cơ bị côn trùng cắn cũng sẽ cao. Trong trường hợp này, để giảm ngứa, rát, bác sĩ Vũ khuyên dùng hỗn hợp muối và nước, tạo thành bột nhão để bôi lên chỗ bị cắn, để đến khi khô sẽ làm giảm ngứa hoặc đau.
Tốt cho tiêu hóa
Người bị đau bụng do lạnh có thể dùng 250g muối rang cho nóng, bọc vào túi vải chườm vùng bụng. Mỗi lần chườm 10 phút, ngày 3 lần, có tác dụng giảm đau và làm ấm bụng.
Theo bác sĩ Vũ, muối còn được biết đến có tác dụng điều trị bệnh trĩ, nứt hậu môn: dùng ít muối pha với nước nóng, ngồi ngâm.
Tốt cho da
Dân gian thường dùng muối để giảm rụng tóc. Bác sĩ Vũ cho hay khi gội đầu, pha một ít muối vào nước, giúp giảm thiểu tóc rụng.
Muối còn được biết đến có tác dụng phòng trị viêm da. Dùng muối rửa tay chân hằng ngày giúp phòng ngừa tình trạng viêm da, hỗ trợ da khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Vũ, muối hạt có tác dụng điều trị nổi mề đay. Dùng muối hạt 40g hòa tan với 100ml nước nóng. Trước tiên làm sạch da tại chỗ, sau đó mới dùng nước muối này để chà rửa vùng mề đay.
Tốt cho khớp
Bác sĩ Vũ cho hay muối hột thường được sử dụng giúp giảm đau khớp. Người bị đau nhức khớp hay viêm khớp do phong thấp, dùng muối hột 1 kg, rang nóng, bọc trong túi vải, ủi đắp tại chỗ, mỗi tối 1 lần, thực hiện trong 30 phút, dùng trong 7 ngày (một liệu trình).
Một số bài thuốc khác dùng muối ăn
- Chữa đau đầu, sổ mũi: hành 250g, cắt nhuyễn, cùng muối cho vào chảo rang nóng, bọc trong túi vải, đắp nóng trên trán.
- Chữa cảm mạo do lạnh: gừng tươi sau khi giã nhuyễn, rang nóng với muối, chứa trong túi vải, đắp lên trán.
- Chữa viêm mũi dị ứng: Pha muối vào chậu nước nóng, trùm khăn lên đầu, xông vùng mặt, hai lỗ mũi.
- Mất nước do say nắng: Ngày nắng nóng sau khi vã mồ hôi, mất nhiều nước, dùng gừng tươi 3 lát, muối 5g, trà xanh 5g, sắc uống.
Bác sĩ Vũ lưu ý muối rất quan trọng với đời sống con người, có rất nhiều ứng dụng, tốt cho sức khỏe nếu biết dùng đúng và đủ. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không lạm dụng muối, sẽ có hại cho tim, thận, xương.
Hoặc