Theo ThS BSCKII Kiều Xuân Thy, Phó Trưởng phụ trách Cơ sở 3 - BV Đại học Y Dược TP.HCM, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lá sen có khả năng giảm cholesterol toàn phần, giảm triglyceride và LDL-C (low-density lipoprotein cholesterol hay còn gọi là cholesterol xấu) trong máu, đồng thời làm tăng HDL-C (high-density lipoprotein cholesterol hay còn gọi là cholesterol tốt).
Bác sĩ Thy nhấn mạnh: "Hiệu quả của lá sen trong việc hạ mỡ máu có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của từng người. Việc sử dụng lá sen như một biện pháp bổ trợ cho điều trị mỡ máu cao nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, và không nên coi nó là phương pháp điều trị thay thế hoàn toàn cho các loại thuốc hoặc liệu pháp điều trị hiện đại".
Nguyên lý tác động hạ mỡ máu của lá sen
Bác sĩ Thy cho biết trong lá sen có 3 hoạt chất giúp làm hạ mỡ máu: Alkaloid, Flavonoid, Tanin.
Trong đó, Alkaloid trong lá sen có khả năng làm giãn mạch (tức là giãn các mạch máu), giảm áp lực máu, từ đó làm giảm nguy cơ tăng mỡ máu. Việc giãn mạch giúp tăng cường lưu thông máu, giảm áp lực tại thành mạch và do đó hỗ trợ trong việc giảm mỡ máu. Đặc biệt, alkaloid còn có tác dụng giảm sự tổng hợp lipid trong gan, điều này trực tiếp góp phần vào việc giảm nồng độ cholesterol toàn phần và triglyceride trong máu.
Bác sĩ Thy cho hay Flavonoid là nhóm hoạt chất có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa của LDL (Low-Density Lipoprotein - một loại lipoprotein có tỷ trọng thấp). LDL bị oxy hóa là yếu tố chính góp phần vào sự hình thành mảng xơ vữa động mạch. Bằng cách ngăn chặn quá trình oxy hóa này, flavonoid trong lá sen giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch liên quan.
Tanin trong lá sen có tác dụng làm thu hẹp lại hoặc kết tụ protein, điều này giúp kiểm soát lượng mỡ trong máu. Cơ chế này có thể được hiểu là tanin giúp giảm hấp thu lipid từ thức ăn qua đường tiêu hóa, từ đó giảm lượng lipid hấp thu vào máu. Ngoài ra, tanin cũng có khả năng kết hợp với cholesterol và lipid trong dạ dày và ruột, làm giảm khả năng hấp thu của chúng, góp phần hạ mỡ máu.
Bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, cho hay hiện tại, có một số nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí quốc tế chứng minh tác dụng của lá sen trong việc hạ mỡ máu.
Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chiết xuất nước từ lá sen có tác dụng giảm lipid máu ở những bệnh nhân có mỡ máu cao. Cụ thể, sau khi sử dụng, các bệnh nhân đã giảm mức cholesterol toàn phần và triglyceride, đồng thời tăng mức HDL-C.
Nghiên cứu khác đã phân lập và thử nghiệm các polysaccharide từ lá sen trên chuột bị tăng lipid máu. Kết quả cho thấy các polysaccharide này không chỉ giúp giảm mức lipid máu mà còn tăng cường hoạt động chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra.
"Các nghiên cứu trên cung cấp bằng chứng về tác dụng hạ mỡ máu của lá sen, đặc biệt là ở các mô hình thí nghiệm trên động vật và một số nghiên cứu lâm sàng trên người. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết quả nghiên cứu cần được tiếp tục xác nhận thông qua các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn hơn để đảm bảo tính chính xác và ứng dụng rộng rãi trong điều trị cho con người", bác sĩ Dung cho biết.
Hoặc