Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố quan trọng, cần thiết để sản xuất các sản phẩm công nghệ như chất bán dẫn, nam châm công nghiệp và một số loại pin mặt trời. Những sản phẩm này đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trong hơn một năm qua, chính phủ Bắc Kinh đã dần dần tăng cường kiểm soát các khoáng sản quan trọng và nguồn cung đất hiếm.
Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu một loạt công nghệ chế biến đất hiếm. Tháng 10 năm nay, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát lĩnh vực này. Với lý do bảo vệ tài nguyên và an ninh quốc gia, Bắc Kinh yêu cầu các nhà xuất khẩu phải theo dõi cách sử dụng đất hiếm trong chuỗi cung ứng.
Hiện nay, có những lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiếp tục siết chặt hơn nữa chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Trung Quốc từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường đất hiếm nhờ nguồn cung dồi dào, chi phí lao động thấp và tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo. Hiện nay, Trung Quốc cung cấp 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu và chiếm 90% sản lượng đất hiếm tinh chế trên thế giới.
Theo các quy định mới ban hành vào tháng trước, nguồn tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc hiện thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Hai nhà máy tinh chế đất hiếm do Canada sở hữu tại Trung Quốc cũng đang được các công ty nhà nước Trung Quốc mua lại.
Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với đất hiếm. Năm 2010, Trung Quốc đã thực hiện hạn ngạch nghiêm ngặt về xuất khẩu đất hiếm với lý do bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên.
Vào thời điểm đó, động thái này khiến giá đất hiếm tăng mạnh, đồng thời khiến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng Trung Quốc thực hiện các hành vi thương mại không công bằng. Trung Quốc thua kiện và gỡ bỏ các hạn ngạch xuất khẩu vào năm 2015.
Nhiều quốc gia đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm của mình sau những hạn chế của Trung Quốc trong thập niên 2010, nhưng thành công còn hạn chế do chi phí đầu tư cao và lo ngại về môi trường.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các nỗ lực thúc đẩy sản xuất đất hiếm toàn cầu đang được đẩy mạnh.
Năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp 45 triệu USD cho MP Materials để xử lý ôxít đất hiếm, và vào năm 2023, cấp thêm hơn 288 triệu USD cho Lynas USA để xây dựng các cơ sở sản xuất ôxít đất hiếm quy mô thương mại.
Ông Rick Waters, giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của Tập đoàn Eurasia, cho biết các động thái của Bắc Kinh nhằm kiểm soát khoáng sản quan trọng và đất hiếm là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đã phát triển suốt 4 năm qua.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump (2017-2021), Mỹ và Trung Quốc áp đặt các mức thuế trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc có ít lợi thế hơn trong cuộc chiến thuế quan vì kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc với Mỹ thấp hơn kim ngạch nhập khẩu.
Do đó, Trung Quốc đã phát triển một chiến lược điều tiết khác – lần này là về đất hiếm – để có thể sử dụng trong các cuộc tranh chấp thương mại.
Bất kỳ sự thắt chặt nào về nguồn cung đất hiếm – một phần của nhóm khoáng sản quan trọng – có thể khiến Mỹ đối mặt với những cú sốc về nguồn cung, ông Waters cho hay.
Và cuộc đua giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến một số nhà phân tích so sánh tình hình hiện tại với một kiểu "Chiến tranh Lạnh".
Ông Zongyuan Zoe Liu, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận xét rằng đây là một phần của "câu chuyện cạnh tranh siêu cường".
Theo ông Nick Vyas, Giám đốc sáng lập Viện Chuỗi cung ứng Toàn cầu Randall R. Kendrick tại USC Marshall, bên cạnh mối quan hệ căng thẳng, tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang tạo ra các hệ thống song song, trong đó Mỹ và đồng minh ở một phía, còn Trung Quốc và đồng minh ở bên kia "chiến tuyến".
Minh Đức (Theo VnEconomy, Báo Tin Tức)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan
Hoặc