Có cả ngàn lý do để một người cảm thấy tự ti, không dám yêu đương hẹn hò; nhưng có lẽ, một trong những lý do phổ biến nhất chính là kinh tế chưa dư dả. Dễ hiểu thôi, hẹn hò hay làm đám cưới, rồi sinh con, tất cả đều cần đến tiền. Tình cảm thôi là chưa đủ, mà mình tự lo thân còn chưa xong, làm sao nỡ để người khác cùng mình chịu khổ?
Áp lực, tự ti chỉ vì hai chữ nợ nần: Người trả nợ cho gia đình, người trả giá cho sai lầm của bản thân
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô gái đã trải lòng về sự tự ti của bản thân, đã đến tuổi muốn lập gia đình và sinh con, nhưng chỉ vì đang phải trả nợ cho gia đình hàng tháng, nên thành ra không dám yêu ai, sợ làm khổ người ta.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người tỏ ra thương cho cô gái này. Rõ ràng, cô cũng chăm chỉ học hành, tu chí làm ăn, nhưng chỉ vì người anh trai hư hỏng, đam mê “đỏ đen” mà cả gia đình lao đao, tan nát. Cũng không ít người khuyên cô ngừng hỗ trợ bố mẹ trả tiền lãi hàng tháng, để tâp trung xây dựng cuộc sống của riêng mình.
Tuy nhiên, việc này cũng không hề đơn giản. Nhìn bố mẹ tuổi đã cao, mà vẫn còn phải gồng gánh khoản nợ 3 tỷ, dù giận anh trai tới mấy, cô gái này cũng khó mà làm ngơ được. Có lẽ vì thế nên mới sinh ra cảm giác hoang mang, trống rỗng, “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Ngọc Minh - Chàng trai 29 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự cô gái trong câu chuyện phía trên. Khác biệt chỉ là anh phải trả khoản nợ 220 triệu do chính bản thân gây ra, chứ không phải gánh thay khoản nợ của bất kỳ ai khác.
Hồi ấy, Ngọc Minh nợ nần vì dùng cùng lúc 3 thẻ tín dụng, tổng hạn mức 220 triệu đồng. Lúc khó khăn, thất nghiệp, Ngọc MInh không dám nói với gia đình, đành rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để chi tiêu, nên thành ra nợ chồng nợ chất. Tổng số tiền mà Ngọc Minh phải trả cho ngân hàng mỗi tháng lên tới gần 18 triệu đồng.
Thế nên, việc chi tiêu cực kỳ khó khăn. Sau khi trả nợ tín dụng và thanh toán tiền nhà, mỗi tháng, Ngọc Minh chỉ còn khoảng 2,2 - 2,7 triệu đồng để trang trải chi phí đi lại, ăn uống.
Với số tiền còn chưa đến 3 triệu ấy, Minh cho biết bản thân không dám nghĩ đến chuyện hẹn hò, yêu đương. Thậm chí, còn không dám cho phép bản thân được ốm, được nghỉ làm vì chỉ cần lương tháng giảm 200-500k thôi là tháng đó với anh lại thêm phần khó khăn, vật vã.
"Nhiều khi mình cũng thấy mệt mỏi vô cùng, nhưng chẳng trách ai được. Tầm này thì thật sự chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện yêu đương hẹn hò nữa. Kiếm đủ tiền trả nợ thôi đã kiệt sức rồi. Mình mà là con gái, mình cũng không yêu người như mình. Sau này có trả được hết nợ, chắc mình vẫn không thể cho phép bản thân quên bài học này. Gần 3 năm quanh quẩn với 3 cái thẻ tín dụng khiến điểm CIC của mình xấu lắm rồi. Không biết sau này có vay được tiền để mà mua nhà không nữa…” - Ngọc Minh từng chia sẻ .
Không gánh nợ, thu nhập ổn cũng vẫn chần chừ khi nhắc tới chuyện kết hôn, sinh con
Vì áp lực nợ nần mà tạm gác lại mong muốn được yêu đương, và dự định lập gia đình là điều không ai mong muốn, nhưng cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, ngay cả những người không nợ nần, đang có mức thu nhập tốt cũng vẫn chần chừ, e dè khi đề cập tới chuyện “yên bề gia thất”.
Ngọc Dung (29 tuổi) hiện đang sinh sống ở Hà Nội với mức thu nhập trung bình khoảng 20-22 triệu/tháng cho biết: “Mình có người yêu rồi, thu nhập của bạn ấy còn cao hơn mình nữa, chúng mình cũng đã ra mắt 2 bên gia đình, đăng ký kết hôn trước khi dọn về sống chung, nhưng vẫn chưa làm dám cưới, càng chưa muốn tính tới chuyện sinh con.
Vì cả 2 vẫn đang đi thuê nhà ở Hà Nội, mà làm đám cưới bây giờ cũng tốn 200-300 triệu là ít nhất, chưa kể, nếu có con thì chi phí bỉm sữa, chăm sóc sức khỏe cũng không ít. Thế nên chúng mình định 2 năm nữa mới làm đám cưới và có em bé. Còn giờ tập trung kiếm tiền, tiết kiệm thôi.
Chuyện làm đám cưới thì thực ra nếu bố mẹ 2 bên không ép, chúng mình còn định chẳng tổ chức luôn ấy, vừa tốn kém vừa nhiều thứ phải lo” .
Cùng quan điểm với Ngọc Dung là Trí Dũng (31 tuổi), cũng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Dù chưa có bạn gái, nhưng Trí Dũng cũng không mấy sốt ruột, vì anh cho rằng lúc này bản thân cần tập trung kiếm tiền để có thể mua được nhà.
“Là đàn ông mình thấy có nhiều áp lực liên quan đến kinh tế mà bản thân mình phải lo lắm. Chẳng ai hỏi phụ nữ đã có nhà chưa khi họ chuẩn bị lấy chồng, nhưng đàn ông sẽ luôn bị hỏi câu ấy mỗi khi chia sẻ mình sắp lấy vợ. Thế nên từ hồi bắt đầu đi làm là mình đã tiết kiệm khoảng 45% thu nhập để dành tiền mua nhà rồi. Giờ giá nhà tăng quá nên cũng chưa biết sao nữa, mong là công việc ổn thì tầm 2 năm nữa là mình mua nhà. Lúc ấy mình 33 tuổi, đàn ông 33 tuổi cũng chưa già lắm, nên giờ mình cũng không nóng lòng yêu đương. Mình nghĩ là phải có nhà rồi mình mới tự tin lấy vợ” - Trí Dũng chia sẻ.
Hoặc