Người nhà nạn nhân vụ sập cầu ở Phú Thọ ngóng tin người thân - Clip: Xuân Hoàng
Tài xế xe tải rơi xuống sông có hoàn cảnh khó khăn
Lúc 16h cùng ngày, tất cả các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đều đang có mặt để tìm phương án cứu hộ cứu nạn, trong khi đó hàng trăm người dân đang đứng theo dõi ở xung quanh. Hiện trường đã bị phong tỏa diện rộng. Dưới dòng sông nước chảy siết trước sự chứng kiến của các lực lượng chức năng, nhưng ai cũng đang rất nhiệt tình với việc cứu hộ cứu nạn.
Ngồi tạm trong chiếc quán gần lối lên cầu (phía Tam Nông) người phụ nữ khóc cạn nước mắt, chị giới thiệu là người thân của tài xế xe tải (xe benz) chở vật liệu, cho biết, cũng như hàng ngày, tài xế đi làm cho công ty ở địa phương.
Trong chuyến xe lần này, tài xế vừa hoàn thành công việc và quay về, đúng lúc đi lên dốc cầu được vài mét thì xảy ra vụ việc. Qua mạng xã hội, người thân của anh này chạy đến hiện trường để tìm hiểu, thì nhận được thông tin đau lòng, mọi thông tin chính thức vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố, tuy nhiên gia đình nghi ngờ tài xế đã bị chìm theo chiếc xe.
Theo người nhà, tài xế có hoàn cảnh khá khó khăn, vợ làm nghề tự do, nuôi hai con nhỏ và có mẹ đẻ đang mắc bệnh ung thư, anh này hiện đang sinh sống ở nhà vợ.
Nam sinh viên mất tích trong vụ sập cầu
Một trong số các nạn nhân mất tích là nam sinh viên (sinh năm 2005, ở Tân Sơn). Người nhà cho biết, nạn nhân vào Đắk Nông sinh sống cùng gia đình, sau đó ra Đà Nẵng học đại học, cách đây ít ngày nạn nhân về thăm quê. Khi thấy thông tin trên mạng về vụ sập cầu, người thân gọi điện thoại không liên lạc được, sau đó xem camera của nhà dân thì biết được diễn biến.
"Hôm nay cháu tôi đi nhờ xe của bạn ra Phú Thọ chơi, tiện thể ra sân bay để vào Đà Nẵng, không ngờ bị trôi xuống sông ngay trước mũi xe benz vài bước chân", người phụ nữ cho biết.
Công bố nguyên nhân vụ sập cầu
Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ cho biết, bão số 3 gây mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu Phong Châu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, cầu Phong Châu được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995 và đã qua nhiều đợt sửa chữa.
Cụ thể, năm 2013, cầu Phong Châu được thay 4 dầm bê tông thường bằng 4 dầm bê tông cốt thép dự ứng lực có chiều cao dầm tương đương; dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường; thay thế bu lông cường độ cao bị đứt gãy, han gỉ, tẩy gỉ bằng phun cát, sau đó quét sơn chống gỉ cho phần hạ bộ của hệ dàn thép; thay thế các khe co giãn cũ bằng khe co dãn răng lược; thay thế những thiết bị điện trên cầu đã hỏng bằng các thiết bị điện mới...
Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở, gia cố trụ cầu. Riêng trụ T7 (trụ cầu vừa đổ sập trong sự cố) được tăng cường 8 cọc khoan nhồi bê tông cốt thép; mở rộng bệ trụ bằng bê tông cốt thép; gia cường khả năng chống va xô bằng biện pháp nối cứng hai thân trụ.
Kết quả kiểm định cầu năm 2019 đánh giá cho thấy cầu khai thác được với tải trọng HL93 (tương đương 11,5 tấn). Cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.
Năm 2023, cầu Phong Châu tiếp tục được sửa chữa nhỏ gồm tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ các thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên, hệ liên kết ngang trên và hệ liên kết dọc trên của nhịp 66m, 64m và 80m. Bên cạnh đó là thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bê tông phía trước khi đã bị nứt vỡ...
Hoặc