Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết đã có nhiều đổi mới trong cơ chế, chính sách, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu, Nghi Sơn cần nguồn lực đầu tư cực lớn.
"Năm 2024 tính đến 31/10, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng nghi Sơn đã thu ngân sách đạt 17.500 tỷ đổng, vượt 31% chỉ tiêu giao thu ngân sách năm 2024. Để thu được kết quả này thì chúng tôi đã theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn quản lý; thứ 2 là chúng tôi thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, đơn giải hóa các thủ tục hải quan, tiến tới mô hình hải quan số, hải quan thông mình. Mục đích cắt giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu".
Theo lãnh đạo Chi Cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn thì năm 2024, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Thanh Hóa sẽ được thụ hưởng khoảng 3-4 nghìn tỷ đồng theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 37 của Quốc hội. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn. Trước đó, năm 2022, chính sách tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được ngân sách Trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng. Số tiền này đã được tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ để thực hiện 23 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ông Phạm Nhật Tân, Trưởng phòng Xây dựng - Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, các dự án được đầu tư sẽ góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng phát triển Khu kinh tế một cách đồng bộ: "Ban đã tham mưu đề xuất và được giao làm chủ đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, để hoàn thiện các tuyến giao thông trong Khu kinh tế. Đến thời điểm này hoàn thành phê duyệt các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kỹ thuật các dự án. Theo chủ quan đánh giá thì chúng tôi đang tập trung nhân lực hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng".
Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển lớn nhất của cả nước, là 1 trong 4 tử giác phát triển của Thanh Hóa, nằm trong hành lang kinh tế phát triển trọng điểm của tỉnh. Việc đầu tư, phát triển Thị xã Nghi Sơn - Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh, đặc biệt các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, du lịch...
Với vai trỏ, vị trí quan trọng, Nghi Sơn đã và đang được Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm trong đầu tư phát triển. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, Thị xã Nghi Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, có 24/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ước đạt 29,9%, vượt mục tiêu Đại hội (27,34%), cao nhất so với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; đáng chú ý là Khu kinh tế Nghỉ Sơn được quy hoạch mở rộng lên 106.000ha theo Quyết định 1699/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ hội lớn, tiềm năng nhiều, nhưng Nghi Sơn cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Đáng chú ý là, để trở thành thành phố, trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, Nghi Sơn cần nguồn lực rất lớn để hoàn thiện các quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng...Những năm gần đây thu hút FDI vào Khu Kinh tế Nghi Sơn đang có sự chững lại, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn trong đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch...
Ông Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghi Sơn cho biết, số tiền tăng thu được thụ hưởng từ Nghị quyết 37 của Quốc hội cũng đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tái định cư khu vực thị xã Nghi Sơn: "Xác định KKT Nghi Sơn là động lực phát triển kinh tế cả tỉnh, nhiệm vụ và chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 có 4 chương trình trọng tâm thì thị xã Nghi Sơn xác định chương trình giải phóng mặt bằng, sắp xếp lại dân cư là nhiệm vụ hết sức quan trọng để kêu gọi dự án đầu tư, lấp đầy khu công nghiệp trong khu KT Nghi Sơn. Điều quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, chúng tôi cũng xác định phát triển kinh tế biển, hệ thống cảng biển trong khu Kinh tế rất lớn, tập trung các dịch vụ hầu cần nghề biển, du lịch biển..."
Mục tiêu đặt ra cho Nghi Sơn là rất lớn, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta kỳ vọng nơi đây không chỉ là trung tâm kinh tế, đô thị động lực của Thanh Hóa và khu vực, mà tương lai trở thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Biết rằng, Trung ương và tỉnh đã và đang có những cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho vùng đất tiền năng này, nhưng chừng đấy là chưa đủ, thậm chí quá ít so với nhu cầu thực tế cần đầu tư vào Nghi Sơn, từ hạ tầng giao thông, kỹ thuật, cảng biển, logictic... Trong đó, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cần đi trước một bước. Thanh Hóa cần sớm hiện thực hóa việc giải ngân 11.300 tỷ đồng từ Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Nghi Sơn đi những bước tiếp theo trên con đường chinh phục là trung tâm công nghiệp trọng điểm của cả nước.
Hoặc