Ngôn ngữ là "trùm" điểm chuẩn năm nay, thuần thục có thể giao tiếp với hơn 1 tỷ người, việc làm thì bao la với mức lương khủng

24/08/2024 08:14

Ngành ngôn ngữ này có sức hút khủng khiếp với các bạn trẻ Gen Z.

Năm 2024, ngành Ngôn ngữ Trung ghi nhận mức điểm chuẩn theo phương thức thi tốt nghiệp THPT rất cao. Theo đó, thí sinh phải đạt 28,5 điểm (trung bình 9,5 điểm/môn) mới có thể trúng tuyển vào ngành Tiếng Trung thương mại của trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội (FTU). Đồng thời, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường.

Tương tự, ngành Ngôn ngữ Trung ở hai trường top đầu về đạo tạo ngôn ngữ cả nước là trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) và Đại học Hà Nội (HANU) cũng cực khủng, lần lượt 37 điểm và 35,80 điểm. Được biết, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong số những ngành đào tạo về ngôn ngữ của 2 trường này.

Còn ở những ngành đào tạo có liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cũng có điểm chuẩn "đỉnh nóc, kịch trần". Theo đó, muốn đỗ vào chuyên ngành Trung Quốc học khối C00 (Văn, Sử, Địa) của Học viện Ngoại Giao bạn phải đạt 29,2 điểm - đây là ngành giữ vị trí "Á quân" điểm chuẩn năm nay, chỉ sau ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử (29,3) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tương tự, 28,83 là số điểm tối thiểu bạn phải đạt được nếu muốn trúng tuyển vào ngành Đông Phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ngôn ngữ là

trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội

Thế mới thấy, sức hút khủng khiếp của tiếng Trung đối với các bạn trẻ Gen Z.

Tất tần tật về ngành Ngôn ngữ Trung

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là ngành học nghiên cứu về cách sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc trên mọi lĩnh vực: kinh tế, thương mại, du lịch, ngoại giao. Ngành học này đào tạo chuyên sâu về những kỹ năng cần thiết cho sinh viên có thể hòa nhập một cách nhanh chóng với môi trường mới công việc mới. Có thể nói, đây được coi là một trong những ngôn ngữ khó học nhất trên thế giới.

Ngoài FTU, ULIS và HANU, một số trường đào tạo tốt về ngành này: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM); Đại học Mở Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng); Học viện Ngoại giao; Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM...

Ngôn ngữ là

Về tiềm năng phát triển của "ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất thế giới", TS. Đinh Thị Thanh Nga - Trưởng khoa tiếng Trung Quốc trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Tiếng Trung là ngôn ngữ được số lượng người sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm gần đây, việc học tiếng Trung chính là tầm nhìn chiến lược, đón đầu cho sự chuyển dịch kinh tế thế giới trong tương lai và mở ra nhiều cơ hội tiềm năng.

Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước láng giềng hữu nghị, có nền văn hóa tương đồng nên việc biết tiếng Trung giúp chúng ta hiểu biết thêm về nước bạn, nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hiện nay, tiếng Trung rất phổ biến và ngày càng khẳng định sự quan trọng của mình trong tất cả các lĩnh vực".

Cũng theo cô Nga, cơ hội việc làm cho người học tiếng Trung sau khi ra trường là rất cao vì có rất nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam và mở ra các khu công nghiệp thu hút số lượng lớn về nhân sự. Hơn nữa rất nhiều gia đình hiện nay mong muốn con mình học cả 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung, vì họ tin rằng, việc thành thạo cả 2 ngôn ngữ này sẽ mang đến một tương lai tươi sáng cho con mình.

Cơ hội việc làm ngành ngôn Trung

Tỷ lệ sinh viên ngành ngôn ngữ Trung ra trường có việc làm rất cao. Đơn cử như ở Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), 98.80% sinh viên ra trường có việc làm. Còn tỷ lệ này ở Đại học Hà Nội là 90%. Tương tự, theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" mới đây nhất, tỷ lệ sinh viên ngành tiếng Trung thương mại của Đại học Ngoại thương Hà Nội có việc làm lên đến 100%.

Ngôn ngữ là

Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được đánh giá là ngành học có tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Cụ thể, sau khi ra trường, sinh viên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ có cơ hội thử sức với các vị trí việc làm sau:

- Giảng dạy tại hầu hết các bậc học tại các cơ sở đào tạo tiếng Trung trong nước và quốc tế.

- Biên phiên dịch tại các dự án, công ty nước ngoài; làm biên phiên dịch trong các nhà xuất bản, đài truyền hình, đài phát thanh…

- Cán bộ quản lý trong các cơ quan, tổ chức như: đại sứ quán, văn phòng đại diện của các tổ chức hoặc trong các doanh nghiệp, công ty…

- Công tác đối ngoại trong các bộ ban ngành của chính phủ và cơ quan nhà nước như: Bộ ngoại giao, Bộ thương mại, Viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…

Đương nhiên, không phải thích là có thể học được ngôn ngữ này. Quan trọng là bạn phải có tố chất với tiếng Trung và dưới đây là một số ví dụ điển hình:

- Yêu thích và đam mê tiếng Trung Quốc.

- Muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước và con người Trung Hoa.

- Có khả năng giao tiếp tốt, thích ứng nhanh với hoàn cảnh và công việc.

- Luôn cầu tiến, ý chí vươn lên trong học tập.

- Mong muốn việc làm lương cao và ưa thích các công việc liên quan đến giao tiếp với người nước ngoài.

- Tự tin, năng động và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.

Mức lương của cử nhân ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hiện nay khá hấp dẫn. Cụ thể, biên phiên dịch viên mới ra trường thường nhận lương khởi điểm 8-12 triệu đồng, lên mức 15-20 triệu đồng mỗi tháng khi có kinh nghiệm. Giáo viên tiếng Trung Quốc tại các trung tâm ngoại ngữ hoặc trường học có lương 10-15 triệu đồng một tháng và con số này cũng tăng dần theo thời gian. Các vị trí như chuyên viên kinh doanh, quản lý dự án hoặc chuyên viên Marketing trong công ty đa quốc gia có thể được trả 12-30 triệu đồng mỗi tháng. Nếu làm trong lĩnh vực du lịch, lương của hướng dẫn viên hoặc nhân viên từ 8 đến 15 triệu đồng một tháng (chưa tính hoa hồng và phụ cấp).

Nếu bạn có mong muốn học ngoại ngữ nhưng vẫn còn phân vân chưa chọn được một ngành học phù hợp thì ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là một lựa chọn đúng đắn. Bởi ngành học này đang có nhu cầu về nguồn nhân lực khá cao với mức lương vô cùng hấp dẫn, vì vậy, học tiếng Trung tốt bạn sẽ không phải lo thất nghiệp.

Theo dữ liệu tính đến 3/2024 của Ethnologue, có hơn 1,1 tỷ người đang sử dụng tiếng Trung trên toàn thế giới, chỉ sau tiếng Anh với 1,5 tỷ người dùng. Nhiều thông tin còn chỉ ra tiếng Trung đã vươn lên top 1 trong danh sách các loại ngôn ngữ được dùng nhiều nhất trên thế giới trong vài năm trở lại đây. Dẫu phổ biến nhưng tiếng Trung được nhiều chuyên gia đánh giá là ít cạnh tranh hơn so với tiếng Anh. Sinh viên học ngành này khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm và không phải chịu áp lực cạnh tranh lớn như tiếng Anh.

Còn theo một cuộc nghiên cứu mang tên The Power Language Index (Chỉ số ngôn ngữ quyền lực, viết tắt PLI), hiện tại tiếng Trung đứng ở vị trí thứ 2 trong số những ngôn ngữ "quyền lực" nhất thế giới theo các chỉ số: địa lý (geography), kinh tế (economy), giao tiếp (communitication), kiến thức - phương tiện truyền thông (knowledge and media) và ngoại giao (diplpmacy). Còn đến năm 2050, tiếng Trung vẫn giữ vị thế khi là ngôn ngữ "quyền lực" thế 2 thế giới, sau tiếng Anh.