Người bệnh mua thuốc bên ngoài khó kiểm soát chất lượng, giá cả

06/11/2024 20:11

Theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập.

Người bệnh chịu thêm thuế, phí nếu đấu thầu

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu thầu tại khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu về quy định bán lẻ thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện công lập.

Đại biểu Thu cho rằng, việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện sử dụng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 2 Luật Đấu thầu nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu sửa như dự thảo Luật là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện công lập.

Người bệnh mua thuốc bên ngoài khó kiểm soát chất lượng, giá cả- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Ảnh: Media Quốc hội).

Bà Khánh Thu nêu lên 2 lý do, bao gồm: Một là, mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào áp giá. 

Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: Xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian các bước không thể cắt ngắn được.

Trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác. Hiện nay cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.

Hai là, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây có cả chi phí tổ chức đấu thầu và các chi phí, thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm. Người dân sẽ lại phải chịu tăng thêm chi phí này. 

Nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn có nguồn thu khác như: Căng-tin, tạp hóa. Nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.

Vì vậy, bà Khánh Thu kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua sắm thuốc không thuộc đối tượng BHYT chi trả, mua vắc-xin tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, hàng hóa bán lẻ (bao gồm mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập) thì cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, kinh tế và trách nhiệm giải trình".

Chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, cơ sở bán lẻ thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh là nơi cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và hàng hóa thiết yếu trong khuôn viên bệnh viện.

Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà không dự trù trước được về danh mục, số lượng nên rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. 

"Nếu thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài. Điều này vừa bất tiện, khó kiểm soát chất lượng, giá cả và ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất", bà Nhị Hà cho hay.

Người bệnh mua thuốc bên ngoài khó kiểm soát chất lượng, giá cả- Ảnh 2.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Ảnh: Media Quốc hội).

Trước thực trạng trên, bà Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua vắc-xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu".

Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì trước ý kiến "không cần đấu thầu, thích thì mua"?

Bên cạnh đó, bà Nhị Hà cho biết, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. 

Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại.

Bên cạnh đó, mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu.

"Tôi đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm, đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh", đại biểu Nhị Hà nói.