Người đàn ông Hòa Bình bị suy gan cấp: Thủ phạm là thứ "ẩn náu" trong cơ thể suốt 20 năm

29/08/2024 00:14

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam, 37 tuổi bị suy gan, suy hô hấp. Nguyên nhân đến từ căn bệnh anh mắc phải cách đây 20 năm.

Nội dung chính

Người đàn ông nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, suy hô hấp do tái phát sốt rét sau 20 năm.Bác sĩ cảnh báo nguy cơ tái phát sốt rét.Cách phòng ngừa bệnh sốt rét.

Bệnh nhân B.V.Đ (37 tuổi, người dân tộc Mông, sống tại Hòa Bình) vào viện trong tình trạng sốt cao 5 ngày không hạ. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như sốt rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng chướng, vàng da và vàng mắt, kèm theo đó là tình trạng nước tiểu ít và sẫm màu.

Tại cơ sở y tế, các bác sĩ tiến hành soi tìm ký sinh trùng. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân dương tính với sốt rét P.vivax (+). Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, suy gan và tan máu nặng nề. Mặc dù trước đó, bệnh nhân không có tiền sử mắc bệnh lý về gan nhưng sốt rét ác tính đã khiến bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.

Anh D cho biết anh làm nghề khoan giếng, công việc đòi hỏi anh thường xuyên di chuyển và làm việc tại nhiều địa phương. Trong quá trình này, anh có những cơn sốt không rõ nguyên nhân. Vào năm 2002, bệnh nhân đi làm tại Tây Nguyên và đã mắc sốt rét do P.vivax. Năm 2003 bệnh nhân về lại Hòa Bình và từng tái phát sốt rét.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét ác tính – thiếu máu nặng. Đây cũng là căn bệnh mà anh D đã mắc phải từ hơn 20 năm trước.

Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính, thiếu máu nặng và suy gan cấp tính. Tình trạng tan máu nghiêm trọng đã khiến bệnh nhân bị khó thở và suy hô hấp.

Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc đặc hiệu và truyền máu. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã ổn định, có thể thở mà không cần hỗ trợ oxy.

Người đàn ông Hòa Bình bị suy gan cấp: Thủ phạm là thứ

Bệnh nhân suy gan cấp do sốt rét (ảnh Thanh Thanh).

Thủ phạm "ẩn náu" trong cơ thể suốt 20 năm

Bác sĩ Bảo cảnh báo, bệnh sốt rét có nguy cơ tái phát sau nhiều năm. Với trường hợp của bệnh nhân Đ, ký sinh trùng sốt rét p.vivax vẫn còn tồn tại trong cơ thể anh suốt hai thập kỷ. Khi gặp điều kiện thích hợp, bệnh sốt rét đã tái phát trở lại. 

"Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét P.vivax. Chúng có khả năng "ngủ" trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt là khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý đến sức khỏe của mình và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát…", bác sĩ Bảo khuyến cáo.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát thành dịch và gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị đúng và kịp thời.

Sốt rét do ký sinh trùng sốt rét P.vivax gây ra. Bệnh thường lây truyền qua đường máu, chủ yếu do muỗi Anopheles đốt. Muỗi Anopheles hút máu của người bệnh sẽ mang theo cả ký sinh trùng sốt rét sau đó chúng đốt vào cơ thể người lành và truyền ký sinh trùng sang cơ thể họ.

Có 5 chủng ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người là: P. falciparum; P. vivax; P. ovalae; P. malariae; P. knowlesi. Mỗi chủng ký sinh trùng sẽ gây ra những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Phòng tránh sốt rét

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét. Do đó, để phòng bệnh sốt rét, người dân cần cập nhật và thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt rét tại nhà, nhất là những người sống ở khu vực rừng núi, khu vực có độ ẩm cao, mưa nhiều…

Cụ thể, người dân cần thực hiện những việc sau:

- Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, không để nhà cửa ẩm ướt để ngăn chặn muỗi phát triển. Người dân cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không để vũng nước đọng cho muỗi, bọ gậy phát triển;

- Phun thuốc diệt muỗi, xịt côn trùng. Nếu có điều kiện nên lắp lưới chống muỗi quanh nhà;

- Dùng màn khi đi ngủ. Nếu người dân sinh sống ở khu vực có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt. Người dân có thể sử dụng kem chống muỗi, thuốc đuổi muỗi…;

- Khi đi vào vùng có dịch sốt rét, người dân cần thận trọng và lưu lại thông tin di chuyển. uống thuốc dự phòng trước khi vào vùng dịch sốt rét lưu hành;

- Người dân cần lưu ý đảm bảo an toàn khi truyền máu, đặc biệt là những người có tiền sử sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét lưu hành.

Khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu nghi ngờ sốt rét, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.