Tiểu Mỹ và Tiểu Lý từng học cùng lớp đại học. Cả hai đã quen nhau hơn 8 năm và có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp. Sau khi tốt nghiệp, Tiểu Lý chuyển sang kinh doanh đồ trang sức bằng ngọc bích trên nền tảng mạng xã hội. Đối tượng mà hãng của cô hướng đến là khách hàng trẻ đang có nhu cầu mua sắm trang sức cho bản thân và gia đình.
Vào tháng 11 năm 2022, Tiểu Mỹ bắt đầu quan tâm đến mặt hàng vòng tay bằng ngọc bích của Tiểu Lý. Cô yêu cầu Tiểu Lý gửi cho mình vài mẫu vòng giá dưới 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng) để lựa chọn. Vì là bạn bè lâu năm nên Tiểu Lý liền chấp thuận yêu cầu. Cô mang hơn 10 mẫu vòng đến cho Tiểu Mỹ xem qua.
Sau khi tận mắt xem hàng, thử và lựa chọn, Tiểu Mỹ đã ‘‘chốt đơn’’ mẫu vòng ngọc bích giá 19.000 NDT (khoảng 66 triệu đồng). Tiểu Lý cũng cung cấp cho bạn đầy đủ giấy kiểm định của sản phẩm trước khi giao dịch.
Đến tháng 3 năm 2023, sau khi mua chiếc vòng ngọc được 4 tháng, Tiểu Mỹ bất ngờ yêu cầu hoàn trả hàng vì nghi vấn chiếc vòng bị trộn hàng giả và giá không tới 19.000 NDT.
Về phía Tiểu Lý, cô từ chối yêu cầu của Tiểu Mỹ và khẳng định cửa hàng không hỗ trợ hoàn trả hàng. Thương lượng không thành, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.
Sau đó, Tiểu Mỹ quyết định đâm đơn để kiện Tiểu Lý ra tòa. Cô yêu cầu Tiểu Lý trả lại 19.000 NDT tiền vòng và bồi thường thêm 19.000 NDT. Phía Tiểu Lý lập luận rằng bản thân đã giao giấy chứng nhận giám định chiếc vòng ngọc cho Tiểu Mỹ và chính cô đã lựa chọn sản phẩm này chứ không hề bị ép buộc. Do đó, yêu cầu bồi thường của Tiểu Mỹ là vô căn cứ.
Tiếp nhận hồ sơ, toà án cho rằng cả Tiểu Mỹ và Tiểu Lý đã xác lập một hợp đồng thỏa thuận mua bán giữa hai bên. Trong trường hợp này, hợp đồng mua vòng tay ngọc bích giữa Tiểu Mỹ và Tiểu Lý là sự thể hiện đúng ý định của cả hai bên. Nó không vi phạm pháp luật và vẫn có hiệu lực.
Nguyên đơn Tiểu Mỹ cho rằng bị đơn đã không hoàn thành nghĩa vụ tiết lộ sự thật và có hành vi cố ý lừa đảo. Đáp lại, phía Tiểu Lý khẳng định bản thân đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, thậm chí còn cho nguyên đơn trực tiếp lựa chọn trước khi mua. Điều này cho thấy bản thân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo và cung cấp thông tin sản phẩm trong giao dịch bán hàng.
Về tuyên bố của nguyên đơn Tiểu Mỹ rằng giao dịch trong trường hợp này là không công bằng, tòa án cho rằng Tiểu Mỹ đã tự mình đánh giá giá trị hàng hóa thông qua kiểm tra thực tế và đạt được thỏa thuận giao dịch với người bán. Ngoài ra, khi tiến hành giao dịch, Tiểu Mỹ không ở trong tình trạng khủng hoảng và thiếu khả năng phán đoán. Giờ đây, nguyên đơn có “cảm giác” chủ quan về giá trị của chiếc vòng không tới 19.000 NDT và không đưa ra được bằng chứng cho điều này thì không thể chứng minh cho sự mất cân bằng lợi ích trong giao dịch hay gây tổn hại cho người mua.
Phía Tiểu Mỹ cũng đã nộp đơn yêu cầu thẩm định giá trị của chiếc vòng ngọc bích. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan chỉ xếp loại chất lượng của sản phẩm chứ không đánh giá giá trị của chiếc vòng. Phía tòa án cũng cho rằng việc thẩm định không giải quyết được tranh chấp trong trường hợp này và không thực sự cần thiết.
Cuối cùng, tòa án kết luận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn Tiểu Mỹ không có đủ bằng chứng hỗ trợ. Cô cũng có thể phải chịu hậu quả bất lợi nếu không cung cấp đầy đủ bằng chứng. Do đó, tòa án đã bác bỏ mọi yêu cầu của nguyên đơn theo quy định của pháp luật.
Luật sư tư vấn rằng Tiểu Mỹ có thể sẽ thua kiện và phải bồi thường nếu Tiểu Lý có ý định kiện ngược. Do đó, Tiểu Mỹ quyết định rút lui và không nộp đơn kháng cáo.
Theo Toutiao
Hoặc