Dinh dưỡng trong giấm
Giấm là gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi người Việt. Việc dùng giấm giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn và cũng mang lại những lợi ích sức khỏe nếu dùng vừa đủ.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, giấm là gia vị dùng khá phổ biến trong nấu ăn. Về thành phần, giấm có chứa axit axetic do sự lên men của các carbohydrate. Quá trình len men giúp cho giấm có những hương vị, mùi đặc trưng.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trong 100g giấm có chứa 18 kcal, 2mg natri, 2mg kali, 6mg canxi, 1mg magie, không chứa lipid và cholesterol.
Tác hại khi lạm dụng giấm
Giấm dùng với một lượng vừa phải để chế biến món ăn sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều, lạm dụng giấm thường xuyên thì có thể gây ảnh hưởng tới dạ dày.
Việc lạm dụng giấm trong món ăn có thể gây biến đổi tính chất món ăn. Do giấm có axit axetic, dùng nhiều sẽ khiến món ăn trở nên chua quá mức hoặc dễ bị hư hỏng khi bảo quản.
PGS Niên khuyến cáo: “Hiện nay, rất nhiều người lạm dụng giấm để làm các món nộm, giấm ngâm… Thậm chí, một số người uống giấm táo để giảm cân, 'chữa' đái tháo đường. Cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh hiệu quả của việc dùng giấm táo để chữa bệnh và giảm cân. Việc uống giấm sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc dạ dày và ruột bị bào mòn, hủy diệt các men tiêu hóa”.
Đồng quan điểm với PGS Niên, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng viện y học ứng dụng Việt Nam cho hay, việc lạm dụng giấm sẽ làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Giấm ăn có thể kích thích sự ngon miệng nhưng nó cũng làm chậm quá trình hấp thu thức ăn vào máu do giấm làm giảm tốc độ thực phẩm rời khỏi dạ dày để đi vào đường tiêu hóa.
Những lưu ý khi sử dụng giấm
PGS Niên lưu ý, những người có vấn đề về dạ dày, đại tràng hạn chế dùng giấm. Giấm có thành phần chính là axit axetic, có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày.
Một số người hít phải hơi giấm có thể bị kích ứng đường hô hấp. Do đó, chuyên gia khuyến cáo những người nhạy cảm, dị ứng với giấm cũng không nên sử dụng loại gia vị này.
Việc thường xuyên ăn các món ăn có chứa giấm khi đói có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới dạ dày và hệ tiêu hoá. Do đó, mọi người không nên sử dụng giấm khi đói.
Bác sĩ Sơn cho biết thêm thuốc có chứa sulfathiazole dễ bị kết tinh trong môi trường axit, có thể gây hại cho thận. Do đó những người đang sử dụng thuốc có chứa thành phần trên nên hạn chế ăn giấm vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người bị gãy xương không nên ăn giấm vì axit trong giấm có thể làm mất cân bằng lượng canxi trong cơ thể, khiến bệnh khó lành hơn.
"Những người bị viêm loét viêm dạ dày ăn nhiều giấm sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn bởi thành phần axit hữu cơ trong giấm kích thích sự tiết dịch vị và axit của lớp niêm mạc trong dạ dày", bác sĩ Sơn nói.
Theo PGS Niên, hiện nay, chưa có nghiên cứu đưa ra con số chính xác về lượng giấm nên ăn một ngày. Do đó, để sử dụng giấm an toàn, mọi người chỉ nên dùng giấm nêm vào món ăn hoặc pha nước chấm chứ không nên uống. Khi dùng giấm, mọi người có thể chọn loại có nồng độ thấp để đảm bảo sức khỏe.
Hoặc