Thời đại của ông bà chúng ta thường được gắn liền với sự khỏe mạnh và trường thọ. Bằng chứng là hiện nay có rất nhiều cụ ông, cụ bà có số tuổi hơn 100. Điều này không phải nhờ may mắn, mà từ lâu nó đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh.
Trước hết, chế độ ăn uống của thế hệ trước thường rất đơn giản và lành mạnh. Họ chủ yếu tiêu thụ thực phẩm tự nhiên, ít qua chế biến, giàu dinh dưỡng như rau củ và trái cây... Việc ăn uống lành mạnh này giúp duy trì sức khỏe tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường hay ung thư.
Chưa dừng lại ở đó, lối sống của ông bà chúng ta thường gắn liền với việc lao động và hoạt động thể chất đều đặn. Cuộc sống khi đó ít máy móc và công nghệ hỗ trợ, nên họ phải tự tay làm nhiều công việc, từ đó duy trì được sự dẻo dai, linh hoạt của cơ thể.
Thông qua những nghiên cứu và tìm hiểu, các chuyên gia đã đúc rút được 4 thói quen giúp trường thọ, trẻ lâu giống như ông bà ta ngày xưa. Đáng tiếc là người trẻ hiện nay đa phần toàn làm ngược lại:
Người xưa thường sống thọ, khỏe mạnh hơn nhờ 4 việc "miễn phí"
1. Ngủ sớm dậy sớm
Ngày nay, do công việc hoặc chỉ đơn giản là sở thích, nên người trẻ hay thức khuya rồi dậy muộn. Tuy nhiên thời ông bà chúng ta lại không như vậy, họ ngủ sớm dậy sớm đúng như đồng hồ sinh học của cơ thể. Nhờ vậy mà cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, dậy sớm còn giúp tinh thần minh mẫn hơn so với dậy muộn. Bắt đầu ngày mới với tinh thần thoải mái và kiểm soát được lịch trình sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng cường khả năng xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và kéo dài tuổi thọ.
2. Ăn uống đa dạng thực phẩm
Người trẻ ngày nay vì bận rộn nên đôi lúc không có thời gian nấu nướng. Có khi nhiều ngày liên tục chỉ ăn loanh quanh vài món, còn ăn ngoài hàng quán nên không tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia cho biết, ăn uống đa dạng thực phẩm là yếu tố quan trọng để sống khỏe và trường thọ.
Theo đó, ăn uống đa dạng giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Mỗi loại sẽ có một bộ dưỡng chất riêng, việc kết hợp chúng sẽ đảm bảo rằng cơ thể nhận được đủ các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, C, D, E, các vitamin nhóm B, sắt, kẽm, canxi… và các chất chống oxy hóa.
Ngoài ra, việc ăn uống đa dạng còn hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các loại thực phẩm khác nhau cung cấp chất xơ và lợi khuẩn – những yếu tố quan trọng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Điều này không chỉ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm viêm nhiễm, ngừa bệnh tật.
3. Dành thời gian ở ngoài trời
Do môi trường ô nhiễm, bụi bẩn hay thời tiết khắc nghiệt… nên nhiều người dường như không khi bước chân ra khỏi nhà trừ lúc có công việc. Tuy nhiên, việc này lại tác động xấu đến sức khỏe cũng như tuổi thọ.
Theo các chuyên gia, dành thời gian ở ngoài trời sẽ giúp cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó tổng hợp vitamin D tốt cho sức khỏe xương và hệ miễn dịch. Vitamin D không chỉ giúp phòng ngừa loãng xương, mà còn có vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn, tiểu đường và một số loại ung thư.
Ngoài ra, việc ở ngoài trời có tác động lớn đến sức khỏe tinh thần. Thiên nhiên có khả năng làm giảm căng thẳng, lo âu và các triệu chứng trầm cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ở trong môi trường tự nhiên như công viên, rừng, hoặc bãi biển… giúp tăng cường cảm giác thư giãn và hạnh phúc.
4. Không ngồi 1 chỗ quá lâu
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta ngồi nhiều, từ đó sinh ra nhiều loại bệnh nguy hiểm. Khi bạn ngồi quá lâu thì lưu thông máu trong cơ thể sẽ chậm lại, dẫn đến việc tích tụ mỡ ở động mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như huyết áp cao, đột quỵ hay bệnh động mạch vành...
Vậy nên, ngồi ít lại và tăng cường vận động sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ. Chưa kể khi bạn thường xuyên đứng dậy và vận động, cơ thể sẽ cải thiện khả năng điều tiết lượng đường trong máu, giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Thêm vào đó, ngồi lâu dễ gây ra các rắc rối về cột sống như đau lưng, thoát vị đĩa đệm và các vấn đề liên quan đến tư thế. Khi bạn thường xuyên thay đổi tư thế, dành thời gian đứng dậy đi lại, cột sống và cơ bắp sẽ được giảm áp lực, cải thiện sự linh hoạt, giảm nguy cơ chấn thương.
Theo Indiatimes, Healthline
Hoặc