Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề

29/10/2024 16:11

Trong quá trình hoạt động, nhóm nhận ra niềm hạnh phúc khi được cho đi đó chính là nhận lại những nụ cười hạnh phúc.

Khởi phát từ một hoạt động thiện nguyện nhỏ vào Trung Thu năm 2017, một nhóm bạn tại TP. HCM đã dùng những đồng tiền ít ỏi của mình để nấu một vài suất ăn phát cho người cơ nhỡ dọc các tuyến đường trung tâm thành phố. Nhóm nhận ra niềm hạnh phúc khi được cho đi đó chính là nhận lại những nụ cười hạnh phúc. Từ đó, Nhóm Tình Nguyện Nụ Cười ra đời.

Trong quá trình hoạt động và trưởng thành, nhóm nhận ra những thứ mình đang cho đi chỉ là những "con cá" mang tính thời điểm. Để thay đổi một số phận, chúng ta cần phải thay đổi từ gốc rễ vấn đề và giáo dục chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa mới cho những số phận đó. Nhóm thiện nguyện bắt đầu đi xa hơn, đến những địa phương lân cận TP. HCM, hỗ trợ các trường mầm non, tiểu học, THCS đang còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 7 năm, bán kính hoạt động của "Nụ Cười" đã lan rộng đến các tỉnh thành Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tính đến tháng 10 năm 2024, nhóm đã tổ chức 16 chương trình tại các địa phương, tiếp cận hơn 10000 trẻ em và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 1.

Chương trình trọng điểm truyền cảm hứng

Người Việt Nam luôn có lòng nhân ái và vì cộng đồng, vì vậy ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện/thiện nguyện nhỏ lẻ, tự phát đi về vùng sâu vùng xa để hỗ trợ, trao quà cho người dân còn đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, song song với sự ấm áp và phúc lợi mà người dân nhận được thì cũng tạo ra những tác động tiêu cực trong việc hình thành thói quen mong đợi và một số hệ lụy khác cho người thụ hưởng. Nhóm "Nụ Cười" mong muốn hoạt động động tình nguyện của mình được thực hiện một cách khoa học hơn, trở thành mảnh nhỏ bổ khuyết trong công cuộc phát triển xã hội và cộng đồng của Nhà nước, vì vậy, nhóm đã tiến hành nghiên cứu, tái cấu trúc các hoạt động để bám sát các chủ trương, đề án mà Nhà nước đang triển khai. Hai chương trình chính mà "Nụ Cười" đang thực hiện có tên Trường Học Hạnh Phúc và Ngày Hạnh Phúc.

Trường Học Hạnh Phúc là chương trình được truyền cảm hứng từ đề án mà Bộ Giáo Dục đang triển khai tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, tùy theo trình độ phát triển tại mỗi địa phương mà mức độ hạnh phúc đang ở các giai đoạn khác nhau.

Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 2.

Nhóm dựa trên các định nghĩa về Khuôn khổ trường học hạnh phúc của UNESCO và Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí từ cơ sở vật chất, tình trạng giáo viên, học sinh và làm việc cùng trường học tại địa phương để từ đó đưa ra những hỗ trợ cần thiết, phù hợp nhu cầu của người thụ hưởng. Mong muốn của nhóm là có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình xây dựng Trường Học Hạnh Phúc trên khắp cả nước.

Còn chương trình Ngày Hạnh Phúc gồm 2 hoạt động thường niên có tên Trung Thu Cho em và Tết Ấm Vui Xuân. Trung Thu Cho Em là ngày hội dành cho học sinh tiểu học với những sân chơi, phần quà khuyến học và hoạt động bổ ích, phù hợp lứa tuổi giúp các em có thêm động lực đến trường vào giai đoạn đầu năm học. Tết Ấm Vui Xuân là chương trình hướng đến học sinh THCS và các hộ gia đình khó khăn tại địa phương.

"Nụ Cười" xây dựng những sân chơi, những chương trình giáo dục giới tính, giáo dục hướng nghiệp và kỹ năng mềm dành cho học sinh, đồng thời trao tặng người dân địa phương những phần quà Tết để động viên tinh thần các gia đình, đặc biệt là những gia đình đang có con em trong độ tuổi đến trường.

Dựa trên bộ tiêu chí (đính kèm) được xây dựng từ đầu năm 2024, nhóm xác định những hoạt động có thể thực hiện trong giai đoạn hiện tại và khả năng mở rộng trong tương lai. Bộ tiêu chí giúp các thành viên trong nhóm dễ dàng hơn trong việc xác định mục tiêu trong quá trình tiếp cận và hỗ trợ các trường học. Điển hình là trường hợp thí điểm đầu tiên tại trường TH-THCS Vừ A Dính, căn cứ trên bộ tiêu chí, nhóm đã xác định được thực trạng cơ sở vật chất (thiếu hụt thùng rác, quạt, phòng y tế, kệ sách thư viện, đầu sách, sân chơi), thực trạng học sinh (tỷ lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học...), đặc tính dân tộc của khu vực (99% người H'Mong di cư từ phía Bắc, đời sống khó khăn)...

Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 3.
Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 4.
Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 5.
Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 6.

Nhóm đã làm việc cùng nhà trường và địa phương để đưa ra những giải pháp hỗ trợ. Cụ thể nhóm đã trao tặng 8 thùng rác, 4 quạt máy công nghiệp, 8 kệ sách thư viện và hơn 500 quyển sách với đa dạng các đầu sách cho học sinh và giáo viên. Nhóm cũng đã tổ chức chương trình Trung thu cho em 2024 cho hơn 1075 học sinh tại 2 điểm trường, mang đến cho các em sân chơi văn minh sau những giờ học, cũng như một lễ hội trung thu phù hợp văn hóa. Bên cạnh đó, "Nụ Cười: cũng đã trao tặng hơn 2000 áo ấm cho người dân địa phương giúp hỗ trợ bà con khi mùa mưa bão đang về.

"Nụ cười" mong muốn thông qua những dự án nhỏ này có thể góp phần hỗ trợ Chính phủ trong công cuộc phát triển cộng đồng, trang bị kiến thức, nền tảng và tạo dựng nên những công dân Việt Nam thế hệ mới. Đồng thời, những dự án giúp thay đổi góc nhìn của xã hội và các chuyên gia về "hoạt động thiện nguyện" để 3 năm tới, dự án sẽ có những kết quả khả quan để trở thành trường hợp điển hình và được học tập, áp dụng và nhân rộng bởi các tổ chức thiện nguyện trên khắp cả nước.

Tính đến tháng 10 năm 2024, "Nụ Cười" đã tổ chức được 16 chương trình trên các địa bàn vùng sâu vùng xa khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tiếp cận được hơn 10000 học sinh và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các sân chơi và chương trình khuyến học đã giúp các em học sinh có thêm động lực đến trường, góp phần giảm thiểu tỷ lệ bỏ học tại các địa phương thụ hưởng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các hoạt động một cách khoa học và tôn trọng văn hóa địa phương cũng góp phần tạo nên sự gần gũi cho nhóm và hỗ trợ công tác duy trình và bảo tồn bản sắc địa phương.

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:

PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, , Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, TikTok

Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây

Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhóm tình nguyện "Nụ Cười": Đừng chỉ trao đi "con cá" mà phải giải quyết được gốc rễ vấn đề- Ảnh 7.