Những bậc cha mẹ thông minh thường "nhẫn tâm" với con trong 3 việc sau: Khi trưởng thành, con biết ơn vô cùng!

19/10/2024 16:27

Hy vọng rằng chúng ta có thể không ngừng học hỏi để trở thành những bậc cha mẹ thông thái.

Một nhà giáo dục từng chia sẻ: "Tình yêu của cha mẹ là mảnh đất nuôi dưỡng con cái, chỉ trên mảnh đất này, con cái mới có thể trưởng thành mạnh mẽ và đối mặt với những thử thách trong tương lai".

Tình yêu chất lượng cao giúp trẻ hưởng lợi suốt đời và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

"Người mẹ huyền thoại của người Do Thái" Sarah Imas, người đã nuôi dạy hai tỷ phú, có bí quyết yêu con chỉ với 7 chữ: "Đặc biệt nhẫn tâm, đặc biệt yêu". Theo đó, cha mẹ càng "nhẫn tâm" trong 3 điều này, con cái sẽ càng xuất sắc trong tương lai, xứng đáng để mọi bậc cha mẹ học hỏi.

1. Từ "phụ thuộc" đến "độc lập"

- Nhẫn tâm để con tự lập

Kahlil Gibran nói: "Con cái của bạn không phải là con của bạn. Chúng là con cái của sự khao khát chính bản thân cuộc sống". Trẻ con cuối cùng sẽ lớn lên và đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Việc cha mẹ buông tay đúng lúc sẽ giúp trẻ giảm sự phụ thuộc và tiến tới độc lập.

Có một bộ phim ngắn dài 6 phút mang tên Piper, đã đoạt giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất tại lễ trao giải lần thứ 89. Trong bộ phim này: Một chú chim nhỏ luôn quen ở trong tổ, chờ mẹ cho ăn, nhưng lần này, mẹ của nó không thỏa mãn yêu cầu đó. Thay vào đó, chim mẹ khuyến khích nó ra bãi biển và hướng dẫn nó tìm sò qua những bong bóng nổi lên, dạy nó cách tự kiếm ăn.

Bãi biển có sóng biển, nhưng chim mẹ đã "nhẫn tâm" để con lại một mình, cho nó học cách tự bảo vệ mình bằng cách che cát.

Nhờ những lần buông tay của mẹ, chú chim từ sợ hãi, lo lắng đã trở nên độc lập và dũng cảm.

Động vật là vậy, con người cũng không khác.

Học cách buông tay, trước hết là không làm thay.

Những bậc cha mẹ thông minh thường "nhẫn tâm" với con trong 3 việc sau: Khi trưởng thành, con biết ơn vô cùng!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một bà mẹ có thói quen làm việc tại nhà, trong khi cha của đứa trẻ thường xuyên đi công tác, vì vậy bà thường một mình chăm sóc con trai, dẫn đến con phụ thuộc vào mẹ khá nhiều.

Trong kỳ nghỉ hè của lớp 1, từ việc học đến sinh hoạt, con trai bà lúc nào cũng gọi mẹ. Điều này khiến bà rất khổ tâm và không thể tập trung làm việc. Sau đó, qua trao đổi với con, hai mẹ con đã ký một bản "Hiệp ước không gọi mẹ".

Hiệp ước gồm gần mười điều, liên quan đến nhiều khía cạnh học tập và cuộc sống, chẳng hạn như: Khi không biết viết chữ nào, có thể tra từ điển thay vì gọi mẹ; Khi không biết làm bài, hãy đọc đề nhiều lần, suy nghĩ thêm thay vì gọi mẹ; Sau khi thức dậy, tự rửa mặt, mở tủ tìm quần áo thay vì gọi mẹ…

Có thể thấy, việc buông tay của bà không đơn giản là bỏ mặc con, mà là đưa ra những giải pháp cụ thể cho các thử thách mà con có thể gặp phải.

Giáo sư Tâm lý học nổi tiếng của Trung Quốc, bà Lý Mai Cẩn nói: "Những bậc cha mẹ không chịu buông tay sẽ không bao giờ nuôi được những đứa con độc lập và xuất sắc".

Buông tay là đôi cánh cha mẹ tặng cho con trên hành trình trưởng thành. Chim ưng học bay là nhờ mẹ ưng đẩy con xuống vách đá ngay khi nó mới biết bò. Sư tử trở thành chúa tể là vì mẹ sư tử đuổi nó ra khỏi lãnh thổ khi nó vừa trưởng thành.

Từ một đứa trẻ hoàn toàn dựa dẫm vào cha mẹ, trở thành một người lớn độc lập, đều cần cha mẹ "nhẫn tâm" buông tay đúng lúc.

2. Từ "thất bại" đến "trưởng thành"

- Nhẫn tâm để con mắc lỗi

Trong Luận Ngữ có câu: "Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá." (Con người không phải thánh hiền, ai có thể không mắc lỗi).

Với những đứa trẻ có bộ não chưa phát triển toàn diện, việc mắc lỗi dường như là điều thường xuyên xảy ra. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại luôn lo sợ trẻ mắc lỗi, luôn mong con cái mình làm mọi thứ đúng đắn.

Các nhà thần kinh học đã thực hiện một nghiên cứu: Họ mời một số người tham gia trả lời câu hỏi trực tiếp và sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ để theo dõi hoạt động của não. Kết quả phân tích cho thấy khi trả lời sai, hoạt động não bộ mạnh mẽ hơn so với khi trả lời đúng.

Điều này có nghĩa là gì?

Khi trả lời sai, các kết nối thần kinh trong não được củng cố và phát triển nhiều hơn. Điều này có nghĩa là việc mắc lỗi là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của não bộ.

Dựa trên nghiên cứu này, là cha mẹ, chúng ta cần cho phép con cái mắc lỗi.

Một giảng viên đại học ở Trung Quốc đã kể câu chuyện về việc xử lý lỗi lầm của cậu con trai tên Đô Đô: Đô Đô chơi bóng trong nhà và vô tình làm vỡ chiếc cốc yêu thích và đắt tiền của mẹ.

Lúc đó, Đô Đô nhận ra mình gây ra rắc rối lớn và rất sợ hãi, gần như khóc. Nhưng thay vì trách mắng, vị giảng viên bình tĩnh nói với con: Việc chiếc cốc bị vỡ là hậu quả trực tiếp của việc chơi bóng trong nhà, nhưng may mắn là không ai bị thương.

Sau đó, anh cùng Đô Đô dọn dẹp những mảnh vỡ. Sau vài lần như vậy, Đô Đô không bao giờ chơi bóng trong nhà nữa.

Trẻ mắc lỗi không phải là điều đáng sợ, cũng không có nghĩa là thất bại. Đối mặt và xử lý lỗi lầm đúng cách lại là cơ hội để trẻ trưởng thành nhanh chóng.

Beckett Lenster nói: "Sai lầm là cái giá của sự trưởng thành, nhưng trưởng thành là kho báu vô giá". Là cha mẹ, chúng ta nên "nhẫn tâm" để con mắc lỗi và trân trọng mỗi cơ hội khi con mắc lỗi. Hãy để con học từ sai lầm và để mỗi lỗi lầm là một bước đệm cho sự trưởng thành.

3. Từ "thúc đẩy bên ngoài" đến "động lực bên trong"

- Nhẫn tâm cùng con kiên trì

Edison nói: "Trên con đường thành công không có lối tắt, chỉ có sự kiên trì mới có thể đến đích".

Mọi thành công không thể có ngay lập tức, mà đều cần sự kiên trì dài lâu. Đối với trẻ nhỏ, việc hình thành một thói quen tốt càng không thể thiếu sự kiên trì.

Một bà mẹ chia sẻ: "Từ khi con gái chào đời, tôi đã bắt đầu cùng con đọc sách. Trước khi con hơn một tuổi, con chưa có nhiều phản hồi với tôi, và không khác biệt nhiều so với những đứa trẻ chưa bao giờ đọc sách, nhưng tôi vẫn kiên trì hàng ngày.

Khi vào mẫu giáo, con bắt đầu bận rộn hơn, dành phần lớn thời gian ở trường, sau khi tan học và vào cuối tuần lại phải tham gia các lớp học ngoại khóa. Nhiều gia đình có con cùng tuổi, ban đầu cũng kiên trì đọc sách cùng con, nhưng đến giai đoạn này, vì không có thời gian nên đã từ bỏ, nhưng tôi không từ bỏ, vẫn kiên trì mỗi ngày.

Không có thời gian thì tôi tận dụng từng phút giây: Trước giờ học ngoại khóa, thay vì trò chuyện vu vơ, tôi chọn đọc một hai cuốn sách; Khi ngâm chân buổi tối, thay vì ngồi đợi vô ích, tôi lấy sách ra đọc; Khi cắm trại ngoài trời vào cuối tuần, thay vì để con chạy nhảy vô tổ chức, tôi dùng thời gian nghỉ ngơi để đọc sách…

Sau nhiều năm kiên trì, đọc sách đã trở thành thói quen hằng ngày của con gái tôi, và con rất yêu thích việc đọc. Nhiều người chỉ biết ngưỡng mộ việc tôi có một cô con gái thích đọc sách, nhưng lại bỏ qua sự kiên trì của tôi trong suốt những năm qua".

Thánh Augustine nói: "Đừng sợ đi chậm, chỉ cần bạn không dừng lại".

Điều này giống như nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục Mỹ: Không phải IQ quyết định tương lai của trẻ, mà là sự kiên trì.

Đối với trẻ, dù là một công việc hay một thói quen, kiên trì một ngày hai ngày là dễ, một tháng hai tháng cũng không khó, nhưng kiên trì một năm hai năm hoặc hơn thì rất khó.

Trong quá trình này, cách tốt nhất là cha mẹ cùng con kiên trì, từ việc thúc đẩy dần chuyển thành động lực tự thân. Nhiều khi, cha mẹ kiên trì thì con cái mới không bỏ cuộc.

Gorky nói: "Sinh con là việc ngay cả một con gà mái cũng làm được, nhưng nuôi con lại là một chuyện khác".

Mỗi cha mẹ đều yêu thương con cái, nhưng yêu phải có ý nghĩa, có giá trị và có hành động. Nhiều khi, sự mềm lòng là hại, sự nhẫn tâm mới là yêu.

Tình yêu chất lượng cao cần có một chút "nhẫn tâm".

Nhẫn tâm buông tay để con vươn mình bay lên khỏi đôi cánh của sự phụ thuộc, tiến vào bầu trời độc lập; Nhẫn tâm để con mắc lỗi, rèn luyện ý chí trong vũng lầy của thất bại và bước trên con đường trưởng thành; Nhẫn tâm cùng con kiên trì, giúp con chuyển từ động lực bên ngoài sang động lực bên trong và tiến lên không ngừng.

Tình yêu bắt nguồn từ bản năng sâu thẳm và còn là một môn nghệ thuật cần nghiên cứu sâu sắc. Hy vọng rằng chúng ta có thể không ngừng học hỏi để trở thành những bậc cha mẹ thông thái.