Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/8 đã bác bỏ ý tưởng thành lập một chính phủ cánh tả để chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị của đất nước. Ông Macron cho biết, việc thành lập một chính phủ cánh tả sẽ là mối đe dọa đối với "sự ổn định của thể chế".
Những bình luận này khiến liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) nổi giận. NFP là liên minh cánh tả được thành lập vào phút chót trước cuộc bầu cử lập pháp sớm hồi tháng 7, bao gồm Đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) cực tả, Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản và Đảng Xanh. Mặt trận này đã giành được số ghế cao nhất trong cuộc bầu cử.
Lãnh đạo Đảng Xanh Marine Tondelier cho rằng thông báo của ông Macron nghĩa là ông chủ Điện Elysee đã phớt lờ kết quả bầu cử. Lãnh đạo nhóm nghị viện của LFI, Mathilde Panot, thậm chí còn đe dọa bằng khả năng kêu gọi một cuộc luận tội chống lại ông Macron.
Các cuộc bỏ phiếu lập pháp đã được tổ chức tại Pháp vào ngày 30/6 và ngày 7/7 đã dẫn đến một quốc hội "treo". Cuộc bầu cử chứng kiến Hạ viện Pháp gồm 577 ghế bị chia rẽ giữa liên minh cánh tả NFP với hơn 190 ghế, tiếp theo là nhóm trung dung của ông Macron với khoảng 160 ghế, và nhóm bao gồm Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen với 140 ghế.
NFP tuyên bố họ có quyền thành lập chính phủ, nhưng các đảng trung dung và cánh hữu đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại cánh tả trong bất kỳ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nào tại Hạ viện Pháp.
Ông Macron lập luận rằng ông không thể chọn một Thủ tướng mà sau đó không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội.
"Trách nhiệm của tôi là không để đất nước bị cản trở hay suy yếu", Tổng thống Macron nói trong một tuyên bố vào cuối ngày 26/8, kêu gọi "tất cả các nhà lãnh đạo chính trị hãy đứng lên bằng cách thể hiện tinh thần trách nhiệm".
LFI đã phản ứng giận dữ. Người đứng đầu Đảng LFI, chính trị gia cực tả Jean-Luc Melenchon, kêu gọi "phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ" từ công chúng và các chính trị gia, bao gồm "đề nghị luận tội" đối với Tổng thống.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Fabien Roussel kêu gọi "một cuộc huy động quần chúng lớn" và loại trừ một vòng đàm phán mới.
Trước đó, từ hôm 23/8, Tổng thống Macron đã có các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo chính trị để tìm cách bổ nhiệm Thủ tướng mới và thành lập chính phủ mới cho cường quốc Tây Âu.
Vẫn còn phải chờ xem người mà ông Macron sẽ chọn làm tân Thủ tướng Pháp là ai, đặc biệt là khi người này cần đảm bảo sự ủng hộ của một quốc hội đang phân mảnh. Những diễn biến trong ngày 26/8 cho thấy vẫn chưa có hồi kết nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp.
Minh Đức (Theo DW)
Hoặc